Chuyện người quản lý:

Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ Hai, 02/07/2012, 14:23
Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015”.

Tại TP Cần Thơ, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015”, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các kinh nghiệm phát triển DNNVV ở quốc tế như liên kết khai thác thị trường, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực khi kinh doanh; tận dụng tốt các cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, thông qua hình thức cụm, mạng lưới, các DNNVV có thể cải thiện hiệu quả và năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh không giới hạn ở tầm quốc gia mà còn có thể đủ tầm vươn ra thị trường nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tính đến hết năm 2010, nước ta có khoảng 540.000 DN, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97%. CácDNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH, chiếm khoảng 97% tổng số DN đăng ký thành lập và là khu vực DN có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Các DNNVV có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, các DNNVV khai thác và huy động các nguồn lực, tiềm năng, tạo cơ hội cho đông đảo dân cư có thể tham gia đầu tư và tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

 Tuy nhiên, nhiều DNNVV cũng bộc lộ điểm yếu như không có tầm nhìn chiến lược, không chủ động cập nhật thông tin thị trường và pháp luật; quản lý không minh bạch, không bài bản; công nghệ sản xuất lạc hậu; thiếu sức cạnh tranh, thiếu tự tin và dễ dao động.

Theo đánh giá của Cục Phát triển Doanh nghiệp, hiện nay các DNNVV đơn lẻ thường ít cón khả năng xác định và nắm bắt các cơ hội kinh doanh chủ yếu do quy mô nhỏ bé, năng lực cạnh tranh yếu kém. Việc các DNNVV liên kết, phối hợp hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình cụm công nghiệp liên kết sẽ tạo ra khả năng nắm bắt cơ hội, tăng cường năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Nhận rõ tầm quan trọng của DNNVV trong phát triển KT-XH, trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ thúc đẩy khu vực này phát triển như trợ giúp về tài chính, mặt bằng sản xuất; đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; tạo vườn ươm doanh nghiệp….

Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, số DNNVV được thành lập mới đạt 400.000 DN, tỷ lệ DNNVV trực tiếp tham gia vào xuất khẩu đạt từ 8 – 10%, đầu tư khu vực DNNVV chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 30% GDP, 35% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo thêm khoảng 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015…

V.Đức
.
.
.