Nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến, phức tạp

Thứ Hai, 02/09/2019, 07:51
Cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đều ở mức rất cao.


Trong khi đó, hầu như các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong nước chưa hoặc không quan tâm SHTT, khiến vấn đề này trở thành thách thức đối với DN...

Trước sự hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là hiện nay Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, cam kết thực hiện nghiêm ngặt SHTT, vấn đề SHTT đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Là lực lượng chủ lực trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm SHTT, mới đây nhất, ngày 28-8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục nghiệp vụ Tổng Cục QLTT đột xuất kiểm tra đồng loạt 15 điểm kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, thu giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm SHTT một số nhãn hiệu.

Cụ thể, tại Trung tâm thương mại (TTTM) chợ Nga (số 328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1), kiểm tra gian A53/2, sạp E14 và sạp Hương Giang (tầng 1), đang kinh doanh các mặt hàng ba lô, túi đeo, túi xách, túi bao tử, lực lượng kiểm tra thu giữ 110 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu The North Face. Kiểm tra Kios 1-2 (Kim) TTTM DV An Đông (số 34-36 An Dương Vương, phường 9, quận 5), lực lượng kiểm tra thu giữ tiếp 155 sản phẩm túi đeo chéo cũng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu The North Face.

Các sản phẩm ba lô, túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu The North Face.

Tại các hộ kinh doanh ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Sư Vạn Hạnh (quận 10), Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình), Lưu Văn Lang, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), lực lượng kiểm tra cũng thu giữ nhiều sản phẩm áo thun, túi xách nghi giả nhãn hiệu Uniqlo, Lacost, The North Face. Còn tại một số cửa hàng bách hóa ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5), Cửu Long (cư xá Bắc Hải, quận 10) và đường số 3 (phường 26, quận Bình Thạnh), nhiều hộ kinh doanh sản phẩm kem đánh răng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Sensodyne. Tại 15 điểm kiểm tra, cơ quan chức năng thu giữ tổng cộng 911 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả các nhãn hiệu có trị giá hơn 60 triệu đồng.

Đáng lưu ý, sản phẩm kem đánh răng Sensodyne, bằng mắt thường người tiêu dùng (NTD) rất khó để nhận biết đây là hàng giả hay hàng thật. Các sản phẩm balo, túi xách có dấu hiệu giả hiệu The North Face, theo khai nhận của một số tiểu thương thì giá nhập vào chỉ 50.000 đồng/sản phẩm, bán ra 200-300.000 đồng/sản phẩm. Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát, xử lý các điểm buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT.

Thời gian gần đây, Cục QLTT thành phố cho biết đã liên tục tổ chức những đợt truy quét hàng giả, xâm phạm SHTT với quy mô lớn tại các điểm sản xuất, kinh doanh, chợ truyền thống, TTTM. Điển hình, ngày 12-8 Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 3 địa điểm buôn bán lớn ở TP Hồ Chí Minh gồm: Chợ Bình Tây (quận 6), chợ Kim Biên (quận 5) và TTTM Sài Gòn Square (quận 1); giữa tháng 7-2019, Tổng cục QLTT phối hợp Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm tra hai trung tâm mua sắm ở Móng Cái, Quảng Ninh, thu giữ nhiều loại hàng hóa như đồng hồ, kính mắt, túi xách, dây lưng, ví da... ghi các thương hiệu Luis Vuitton, Gucci … có dấu hiệu hàng giả, giá trị ước tính gần 100 tỉ đồng...

Theo Tổng Cục QLTT, hàng giả, vi phạm SHTT đến nay chưa ngăn chặn triệt để được là do hàng giả sử dụng vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng tuy đã bị xử lý vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Hàng giả, vi phạm SHTT hiện có mặt ở rất nhiều phân khúc thị trường, đa dạng mẫu mã, chủng loại và linh động về giá cả, không chỉ xuất hiện tại các chợ, TTTM ở các thành phố lớn mà còn xuất hiện tận các vùng nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đánh vào tâm lý NTD vừa muốn sử dụng hàng có “mác” thương hiệu lại vừa có giá rẻ, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm SHTT trà trộn với hàng hóa có chứng từ, hàng thật với hàng kém chất lượng để qua mặt cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu thực tế, có rất nhiều người dùng sản phẩm vi phạm quyền SHTT mà họ không hề hay biết. Còn về phía DN, nhiều khi chưa chủ động, ngại đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến SHTT nên việc ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm SHTT còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng nhận định, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Vì vậy, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam là hết sức cần thiết để tránh rủi ro.

Xác định SHTT là vấn đề hết sức quan trọng, để nâng cao năng lực thực thi, từ đầu năm đến nay, các lực lượng Công an, Hải quan, QLTT... đã hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước triển khai các hoạt động về chống hàng giả, phân biệt hàng giả - hàng thật, chống xâm phạm SHTT để bảo vệ thương hiệu. Ngày 22-8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó có nhiều giải pháp đưa hệ thống SHTT Việt Nam phát triển đồng bộ, hiệu quả.

Chính vì vậy, SHTT không chỉ là vấn đề của DN, của NTD hoặc của cơ quan thực thi pháp luật mà cần có sự hưởng ứng, hỗ trợ của các bên mới mong vấn đề SHTT đạt được hiệu quả cao.

Thúy Hà
.
.
.