Nan giải xử lý hàng tồn đọng tại các cảng biển

Thứ Hai, 10/10/2011, 11:30
Theo ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn, ngay từ cuối tháng 5, trong đợt thanh lý hàng hóa thứ 9, cảng này có 51 container và 145 lô hàng trong kho thuộc diện tồn đọng cần thanh lý.

Thậm chí, trong đợt này tại Tân Cảng Sài Gòn còn có một container lạnh chứa mặt hàng Kim Chi của Hàn Quốc nên chi phí vận hành container hàng ngày khá cao.

Tại cảng ICD Phước Long, dù trong đợt kiểm kê hàng tồn đọng vào năm 2010 của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, đã phát hiện tới 6 container hàng tồn đọng tại cảng quá 9 tháng và 91 container chủ yếu là thịt và xương nhập khẩu của Công ty Hiệp Quang để tại cảng quá một tháng.

Hiện tại, theo ông Lê Việt Hoàng, Đội giám sát kho ICD 3, vào thời điểm cuối tháng 9 vừa qua cũng đã có tới 300 container, kiện bao gói hàng hóa, thiết bị máy móc, vật dụng các loại… đã nằm “ăn vạ” tại kho bãi của cảng quá 9 tháng và 18 container đã nằm tại đây quá 6 tháng. Với cảng Lotus, đến đầu tháng 9 vừa qua cũng tiếp tục có 498 xe ôtô, kiện, cây hàng hóa… với trọng lượng lên tới 947 tấn đã quá thời hạn quy định nhưng chủ hàng chẳng thèm làm thủ tục Hải quan nằm tại cảng từ trên 30 đến quá 180 ngày với lý do chủ yếu là chủ hàng “Chưa bán được lên chưa lấy hàng hoặc kẹt vốn để lấy hàng…”.

Theo đại diện TCT Tân Cảng Sài Gòn, thời gian qua đơn vị này đã phải rốt ráo xử lý hàng tồn đọng đến 2 đợt trong một năm. Xử lý được tổng cộng 682 container, trong đó có 54 container lạnh và 559 kiện, cuộn hàng hóa vô chủ trong vòng 6 năm qua.

Một lô hàng tồn đọng.

Cũng theo một đại diện TCT Tân Cảng Sài Gòn, dù người nhận hàng sờ sờ ra đó, nhưng chỉ với lý do như chất lượng hàng hóa không đảm bảo, hàng hóa khống đúng quy cách, mẫu mã… là chủ hàng sẵn sàng từ chối nhận hàng. Trong khi đó, hãng vận chuyển cũng dễ dàng chối bỏ trách nhiệm xử lý do chi phí xử lý lớn. Bởi sau khi để container, để hàng hóa nằm vạ tại kho cảng quá lâu, nay số tiền lưu container, lưu kho, nhất là chi phí bảo quản container lạnh đã bằng, thậm chí lớn hơn cả giá trị hàng hóa trong container.

Vì vậy, theo đề nghị của đại diện Tân Cảng Sài Gòn, chỉ cần cảng thông báo 3 lần cho hãng tàu đến nhận trong thời hạn 60 ngày đối với hàng bách hóa và 1 lần trong thời hạn 30 ngày đối với hàng đông lạnh, thực phẩm mau hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại… là đã có thể được coi là hàng tồn đọng tại cảng biển chứ không cần phải có văn bản từ chối nhận hàng của người vận chuyển.

Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần nghiên cứu, cho phép bán chỉ định ngay với những lô hàng đông lạnh, thực phẩm mau hỏng có giá trị dưới 100 triệu đồng và có quy định để làm rõ chi phí liên quan đến người vận chuyển

Đức Thắng
.
.
.