Năm sau, Hà Nội lại có nguy cơ thiếu điện

Thứ Năm, 01/12/2011, 09:29
Nếu không đóng điện được trạm biến áp Thành Công, Hà Đông, Vân Trì trước tháng 3/2012, cảnh cắt điện luân phiên, hoặc đột ngột mất điện những ngày nắng nóng nhất sẽ quay trở lại. Người dân sẽ phải hứng chịu đầu tiên, bởi hơn 50% lượng điện tiêu thụ của Hà Nội là ở khối tiêu dùng dân cư.

“2012 cả nước đủ điện, riêng Hà Nội sẽ thiếu” - đây là lời cảnh báo của ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong cuộc họp báo hồi giữa tháng 11. Cụ thể hơn, nếu không đóng điện được trạm biến áp Thành Công, Hà Đông, Vân Trì trước tháng 3/2012, cảnh cắt điện luân phiên, hoặc đột ngột mất điện những ngày nắng nóng nhất sẽ quay trở lại. Người dân sẽ phải hứng chịu đầu tiên, bởi hơn 50% lượng điện tiêu thụ của Hà Nội là ở khối tiêu dùng dân cư. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng như thế.

Hà Nội sẽ mất điện, dù không thiếu điện

Không còn nhiều thời gian trước khi người dân Hà Nội thực sự phải đối mặt với những ngày thiếu điện, chỉ vẻn vẹn 4 tháng nữa. Tình hình có thực sự nghiêm trọng như vậy, và nguy cơ đã gần tới mức nào? PV Báo CAND đã trao đổi với ông Đàm Tiến Thắng – Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương Hà Nội và được xác nhận đúng là có nguy cơ đó. Nghịch lý là ở chỗ, Hà Nội thiếu điện không phải bởi không có điện, mà là không biết đưa điện vào bằng cách nào. Một lần nữa, nguyên nhân lại do việc chậm tiến độ các dự án.

Bản thân Hà Nội không sản xuất được điện, mà phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp của thủy điện Hoà Bình, Nhiệt điện Phả Lại 1, 2, thủy điện Tuyên Quang và hệ thống điện 500kV Bắc Nam thông qua trạm 500kV Thường Tín và hệ thống lưới điện truyền tải 220, 110kV.

Hiện nay, Hà Nội đang được cấp điện từ 5 trạm 220kV với tổng công suất 3.125MVA, và được hỗ trợ cấp điện từ các trạm 220kV Phố Nối, Vĩnh Phúc và Phủ Lý. Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng Quản lý điện năng, độ tin cậy cung cấp của hệ thống này chưa cao. Nói đơn giản hơn, tất cả đều đã quá tải. Nghiêm trọng nhất là khu vực nội đô, khi trung tâm thành phố chưa có trạm 220 kV nào và các đường dây 110kV cũng đã ở tình trạng đầy tải.

Hạ tầng hiện tại của Hà Nội không thể đảm bảo cung cấp điện cho thành phố đến hết 2012.

Vì vậy, lưới điện của Hà Nội luôn ở trong tình trạng rất dễ “tổn thương”, khi có sự cố bất kỳ sẽ gây quá tải nặng, phải cắt điện một số khu vực, hoặc mất điện trên diện rộng. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao trong những ngày nắng nóng kinh khủng nhất, Hà Nội thường xuyên mất điện bất thình lình, khiến nhân dân vô cùng bức xúc.

Thực tế này không phải chưa được tiên liệu. Thậm chí, trong qui hoạch lưới điện 2006 – 2010, Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản dù có tiêu thụ nhiều điện hơn, lưới điện “vẫn chạy tốt”. Theo qui hoạch, đến 2010 sẽ xây dựng mới 6 trạm biến áp và 137km đường dây 220kV. Tuy nhiên, đến nay chưa một công trình nào hoàn thành. Chỉ có trạm biến áp Vân Trì và Thành Công đã làm xong, nhưng nằm đắp chiếu bấy lâu nay, do chưa kéo được dây để đóng điện.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ngành Điện cho biết có thể những thiết bị “xịn”, trị giá nhiều tỷ đồng của hai trạm này đã hết bảo hành, thậm chí có thể đã hỏng hóc, do nằm phơi sương phơi gió! Nếu nhìn vào thống kê tiến độ thực hiện, nhiều người hẳn sẽ thấy giật mình: Tỷ lệ xây dựng mới đường dây 110kV đạt khoảng 10%, trạm 110kV đạt 15,4% về số trạm và 17,4% về công suất.

5 năm không hoàn thành một công trình nào theo quy hoạch

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ cũng lại là “muôn thuở”: thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Lý do cũng lại “tại anh, tại ả, tại cả... 3, 4 bên”. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một lãnh đạo của Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), và được vị này “than thở”: Hà Nội là địa phương khó làm việc nhất trong việc thống nhất giải phóng mặt bằng. Chính ông Phạm Lê Thanh cũng nói sự vào cuộc của Hà Nội  với EVN là rất chậm, mới dẫn đến cơ sự ngày nay.

Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan quản lý về điện của Hà Nội, thì có đến 6 nguyên nhân, đủ cả chủ quan lẫn khách quan. Vấn đề kinh phí thì bấy lâu nay đã nhắc đến rất nhiều. Nếu EVN đã thiếu vốn trầm trọng, thì EVN NPT còn thiếu trầm trọng hơn, vì đầu tư các dự án cực kỳ tốn kém, khả năng thu hồi vốn kéo dài vài chục, hàng trăm năm, trong khi nguồn thu chính của họ chỉ có tiền phí truyền tải hơn 65 đồng/kWh.

Có thể nói, sức hấp dẫn của EVN NPT với các nhà đầu tư là vô cùng thấp, nếu không muốn nói bằng 0. Thậm chí ông Phạm Lê Thanh còn ví von, NPT vì là “đứa con trong nhà” nên đang bị bạc đãi. Nhưng nói thế không có nghĩa họ không có lỗi. Bản thân thời gian thực hiện quản lý đầu tư xây dựng dự án của họ luôn kéo dài, làm cho dự án luôn phải đuổi theo thực tế. Có dự án phải điều chỉnh rất nhiều lần, mới có thể triển khai thi công.

Mặt khác, họ cũng chưa chủ động phối hợp để giải quyết các vướng mắc. Điều này dẫn đến đường dây Vân Trì - Sóc Sơn phê duyệt dự án năm 2003, phê duyệt thiết kế kỹ thuật năm 2007, nhưng đến nay mới bàn giao được 5 vị trí móng, các Trạm 220kV Thành Công, Vân Trì khởi công từ năm 2007, nhưng hiện nay chưa được đưa vào vận hành... Mặt khác, việc thỏa thuận địa điểm trạm biến áp và hướng tuyến đường dây, cũng như tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình đường dây do đi qua nhiều địa bàn.

Hơn nữa, đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ của địa phương thấp hơn nhiều so với thực tế, nhiều trường hợp tổ chức và người dân không nhận, yêu cầu đơn giá theo thị trường tại địa phương hoặc đã nhận tiền nhưng cố tình gây khó khăn hoặc bàn giao mặt bằng chậm. Đấy là chưa đi vào chi tiết, sẽ nảy sinh hàng trăm khó khăn, vướng mắc khác. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên lại kiểu “cha chung không ai khóc”, khiến tiến độ đã chậm càng thêm chậm.

Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, so với danh mục các công trình điện cấp bách phải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Hà Nội đã được cải tạo nâng công suất được 10/12 trạm biến áp, xây mới 2/11 trạm (chưa đóng điện được trạm nào), cải tạo thay dây dẫn 5/12 lộ đường dây và chưa xây dựng mới được lộ đường dây nào.

Để đáp ứng nhu cầu điện cấp bách cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011, EVN NPT đã hoàn thành nâng công suất máy các trạm Chèm, Hà Đông và Mai Động, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ không đảm bảo cung ứng điện cho Thành phố đến hết năm 2012.

Vũ Hân
.
.
.