Nắm bắt cơ hội để xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào Mỹ
- 6 tháng, xuất khẩu hàng dệt may vượt mức 4 tỷ USD
- “Quy chế giám sát xuất khẩu hàng dệt may” của Việt Nam
Với những ưu đãi từ Hiệp định TPP mang lại, Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường này ngay từ năm đầu tiên Hiệp định TPP có hiệu lực. Vì vậy, vấn đề còn lại là khả năng của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào trước cơ hội thị trường rộng mở trước mắt?
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại tại Hoa Kỳ cho biết: Năm 2014, Việt Nam đóng thuế xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ 1,68 tỷ USD (chiếm 3/4 tổng số thuế Mỹ thu được từ tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam). Còn với mặt hàng giày dép, 99% sản phẩm giày dép bán tại thị trường Hoa Kỳ là nhập khẩu từ các nước.
Với dân số 317,5 triệu người, thị trường này tiêu thụ khoảng 2,5 tỷ đôi giày dép, tính ra mỗi người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ 8 đôi giày dép/năm. Tại thị trường Hoa Kỳ, 11 nước tham gia Hiệp định TPP nộp thuế nhập khẩu 449 triệu USD thì trong đó Việt Nam nộp đến 445 triệu USD (chiếm đến 99% tổng số thuế của 11 nước TPP đóng thuế vào Hoa Kỳ).
Số liệu trên cho thấy, hai mặt hàng dệt may và giày dép của Việt Nam chiếm thị phần rất lớn tại thị trường Hoa Kỳ. Khi TPP có hiệu lực thì mức thuế của dệt may và giày dép ngay lập tức giảm về 0% trong năm đầu tiên (loại trừ hơn 10 dòng thuế giảm theo lộ trình).
Ngành dệt may sẽ được hưởng lợi lớn tại thị trường Mỹ ngay từ năm đầu tiên Hiệp định TPP có hiệu lực. |
Với TPP, thị phần giày dép của Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 12% hiện tại sẽ tăng lên 22% vào 2019 (sẽ giảm 450 triệu USD thuế nhập khẩu và sau 10 năm sẽ giảm 6 tỷ USD). Như vậy, khi TPP thực thi thì Việt Nam trở thành “ngôi sao đang lên” nhập khẩu hai mặt hàng dệt may và giày dép vào thị trường Hoa Kỳ và “gặm nhấm” dần thị phần của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội lớn của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để tận dụng, tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Mặc dù cơ hội rộng lớn đang mở ra trước mắt nhưng nhiều doanh nghiệp lo lắng vì khả năng khó có thể đáp ứng được các yêu cầu của đối tác. Lý do là vì, trong thời gian qua, ngành dệt may và da giày luôn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng điểm trừ của hai ngành này ở chỗ năng suất lao động thấp, yếu về công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu, và đặc biệt là vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu quá lớn, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp.
Với những lý do trên, doanh nghiệp lo ngại sẽ rất khó hưởng được những ưu đãi từ các hiệp định mang lại. Nhất là quy định chặt chẽ về nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward) của Hiệp định TPP. Theo nguyên tắc này, các nguyên liệu đầu vào phải được nhập từ nước thành viên của TPP, trong khi Việt Nam hiện nhập tới 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may từ Trung Quốc.
Tương tự, ngành giày dép trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nguyên vật liệu cho sản xuất. Trong khi đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đã đầu tư mạnh vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ TPP. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào 2 dạng: Một dạng là đầu tư khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - vải và sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nội địa.
Dạng thứ hai là các doanh nghiệp FDI xây dựng nhà máy sợi dệt, nhuộm rồi sản xuất vải, phụ liệu để cung cấp cho doanh nghiệp nội địa, nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn cung nguyên phụ liệu cho hàng xuất khẩu. Ông Đào Trần Nhân cũng cho rằng, để khắc phục những điểm yếu trên, các doanh nghiệp trong nước nên tập trung vào việc đầu tư các nhà máy cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu dệt may và da giày.
Những doanh nghiệp năng lực còn yếu cần kết nối với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam.
Ông Vũ Hải Hà, Giám đốc doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu những công nghệ lạc hậu. Để phát triển thì cần phải có bí quyết công nghệ. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị các tham tán Việt Nam ở nước ngoài mang công nghệ của nước ngoài về để giúp doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu ra những thách thức của doanh nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập. Đó là doanh nghiệp trong nước sáng tạo, năng động nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc chú trọng công nghệ còn hạn chế, đặc biệt tiếp cận giao thương quốc tế còn khó khăn.
Các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng như các luật lệ giao thương quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần trao đổi thẳng thắn với các tham tán khi triển khai các hoạt động thương mại, hoạch định chiến lược cũng như thông lệ quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng phương án dài hạn, đầu tư công nghệ, lao động hợp lý. Lãnh đạo thành phố và các tỉnh, thành luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp.