Mỹ phẩm giả hoành hành thị trường Tết

Thứ Hai, 01/02/2016, 09:50
Theo Hải quan Quảng Ninh, hằng ngày vẫn có một lượng lớn mỹ phẩm được làm giả từ bên kia biên giới, sau đó đóng các nhãn mác nổi tiếng vận chuyển về trong nước tiêu thụ. Khi vào trong nước, mỹ phẩm đưa vào các shop biến thành “hàng hiệu” hoặc “hàng xách tay” kinh doanh trên mạng.


Thời điểm cận Tết Nguyên đán, tình trạng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng, nhất là các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh, vận chuyển mỹ phẩm trôi nổi từ biên giới về nội địa.

Làm việc với lực lượng chống buôn lậu của Hải quan Quảng Ninh chúng tôi được biết, hằng ngày vẫn có một lượng lớn mỹ phẩm được làm giả từ bên kia biên giới, sau đó đóng các nhãn mác nổi tiếng vận chuyển về trong nước tiêu thụ. Khi vào trong nước, mỹ phẩm đưa vào các shop biến thành “hàng hiệu” hoặc “hàng xách tay” kinh doanh trên mạng.

Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ nhiều trường hợp vận chuyển mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu như Chanel, Dior từ biên giới Móng Cái về nội địa, thu gần 1.000 lọ các loại. Đặc biệt, các loại dầu dưỡng, nhuộm tóc nhập lậu hoặc giả các thương hiệu nổi tiếng cũng đặc biệt gia tăng vào dịp Tết do nhu cầu cao. Điển hình là bắt giữ Mai Thanh Long, ở phường Đại Yên, TP Hạ Long đang vận chuyển 7.928 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhập lậu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ hợp lệ trong địa bàn hoạt động của Hải quan. 

Đáng chú ý là năm 2015, Công an TP Móng Cái đã phát hiện một xưởng sản xuất mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới với quy mô lớn ngay tại thành phố vùng biên do một phụ nữ tên Trung Đạo Bình, quốc tịch Trung Quốc, sang Móng Cái thuê địa điểm để sản xuất. 

Công an TP Hạ Long tiêu hủy 5 tấn mỹ phẩm giả.

Đối tượng này đã mua nguyên liệu từ tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc; đặt in tem chống hàng giả của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an Việt Nam ở Trung Quốc và giấy giới thiệu sản phẩm, nhãn mác giả. Sau đó nhập lậu toàn bộ nguyên liệu này vào Việt Nam và tàng trữ trong kho để sản xuất. Khi kiểm tra lực lượng Công an phát hiện 31.408 chai mỹ phẩm gắn nhãn mác một số thương hiệu nước ngoài và đang đóng gói thành phẩm mang thương hiệu Day Frost, công dụng là kem dưỡng da rồi dán tem chống hàng giả để bán ra thị trường Việt Nam.

Theo Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an thành phố Hạ Long thì ngày 28-1 vừa qua, Công an thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã phát hiện, bắt giữ trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm Tết Nguyên đán. 

Điển hình là kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm Hồng Hạnh, ở số 2 phố Lê Hoàn, TP Hạ Long phát hiện bày bán 33 loại mỹ phẩm (trên 4.000 sản phẩm) gồm thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da, dầu gội đầu… đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng trên được chủ cửa hàng mua trôi nổi trên thị trường. 

Từ đầu tháng 10-2015 đến nay, Công an thành phố đã phát hiện 54 vụ, thu giữ trên 5.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc.

Vào một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Hàng Trống, Hà Nội chúng tôi bị hoa mắt bởi các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng với giá cao chóng mặt. Nếu so với hàng chính hãng, giá mỹ phẩm ở đây chỉ rẻ bằng một nửa, nhưng cũng rất cao so với nhiều cửa hàng khác. 

Nhân viên bán hàng còn cho biết: “Ở hãng còn ra đây lấy về bán. Hàng này để vào hãng là thành xịn ngay”. Biết là hàng nhái, nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì “hợp với túi tiền”. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì năm 2015, đơn vị này đã phát hiện và tịch thu 183/749 sản phẩm mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc (trong đó có 85.051 sản phẩm giả) và 64kg nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm. 

Điển hình là thu giữ 37.839 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại cơ sở kinh doanh đồ dùng làm móng ở số 30 phố Bạch Mai. Hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm giả, nhái thì quá rõ, nhưng nó vẫn có đất sống có lẽ là vì giá thành hợp với đại bộ phận dân lao động. 

Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội thì lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng kinh doanh đã đặt mua hàng kém chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam tiêu thụ, trong đó có mặt hàng mỹ phẩm. 

Trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 653 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 3,8 tỷ đồng. Điển hình là phối hợp cùng Công an TP Hà Nội kiểm tra điểm kinh doanh mỹ phẩm tại số 27/40 đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, thu giữ 5 tấn mỹ phẩm nhập lậu, trị giá trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn phát hiện các dụng cụ đóng gói, dập date và một số lượng lớn tem nhãn các loại không rõ nguồn gốc.

Sản xuất mỹ phẩm giả mang lại lợi nhuận kếch xù, chính vì vậy mà nhiều đối tượng không ngần ngại mua nguyên liệu về tự pha chế, đóng gói, in bao bì, nhãn mác giả, in tem chống hàng giả của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an để che mắt người tiêu dùng. Việc buôn bán, kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều trên thị trường, cần phải ráo riết kiểm tra, xử lý để người tiêu dùng tránh được hiểm họa.

Thiếu tá Đặng Huy Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái thường sử dụng thủ đoạn như để lẫn các hàng hóa không đảm bảo với hàng hóa có uy tín; hoặc kinh doanh ở một vị trí nhưng cất giấu hàng hóa vi phạm ở một vị trí khác, khi có giao dịch thì mới điều hàng hóa đến để bán cho người mua”.
T.Hằng – N.Khánh
.
.
.