Muôn nẻo pháo lậu

Thứ Ba, 16/12/2008, 11:18
Chỉ thị số 406/1994/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán tàng trữ và sử dụng các loại pháo đã được ban hành gần 14 năm nay, nhưng do lợi nhuận từ việc buôn lậu pháo mang lại khá lớn nên "đến hẹn lại lên" cứ dịp gần Tết, các địa phương, các ngành chức năng lại "nhức đầu" với vấn nạn này. Thực trạng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa, xử thật nghiêm hành vi vi phạm cố ý có tính chất nghiêm trọng này.

>> Mua pháo lậu tại Hà Nội

Tuyến QL1A đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được coi là tuyến đường trung chuyển hàng nhập lậu từ biên giới Lạng Sơn về các tỉnh nội địa tiêu thụ, trong đó mặt hàng pháo nổ năm nay được các đầu nậu tập trung mua bán với số lượng tăng đột biến.

Trung tá Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Địa bàn huyện Cao Lộc là một trong những "điểm nóng" tập kết và mua bán pháo nổ nhập lậu. Từ các chợ cửa khẩu, các chủ hàng thuê đội quân cửu vạn xé lẻ hàng thành từng kiện nhỏ luồn rừng xách qua biên giới đem về nơi tập kết.

Tại đường mòn Thác Ném, thuộc khu vực Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng thì nạn ném hàng từ bên kia biên giới sang bên này vẫn diễn ra vào những giờ cao điểm (từ 16 đến 18h) hằng ngày.

Cũng theo Trung tá Khải thì tính đến thời điểm này, Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện được vụ vận chuyển pháo trái phép bằng đường sắt, nhưng thủ đoạn vận chuyển pháo bằng ôtô, xe máy hay thồ bằng xe đạp thì vẫn diễn ra hằng ngày, bắt không xuể.

Đầu tháng 12/2008, Công an huyện Cao Lộc đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 70kg pháo nhập lậu. Số pháo này được đóng gói kỹ càng, giấu dưới những thùng hoa quả lớn.

Điều đáng nói, từ vài năm nay, các chủ hàng tập trung thu mua, gom hàng để vận chuyển về xuôi những loại pháo nổ vô cùng nguy hiểm như pháo dàn, pháo lựu đạn…, những loại mà khi phát nổ có sức công phá lớn và có thể gây sát thương. Những chiếc xe ôtô được các đối tượng tháo hết ghế để có diện tích xếp đầy pháo bên trong. Thậm chí, nhiều chủ xe còn hám lợi khi vừa chở khách, vừa vận chuyển pháo nổ thuê khiến tính mạng hành khách bị coi nhẹ.

Cơ quan chức năng thu giữ pháo lậu - Ảnh: T. Hương.

Cụ thể, trong ca trực của Trung tá Nguyễn Đăng Hội, tổ trưởng tổ TTKS, thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa qua đã phát hiện chiếc xe ôtô 29 chỗ ngồi do Đỗ Tuấn Cường, 26 tuổi, trú tại phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang điều khiển, chở 20 hành khách và 4 thùng carton có chứa 240 cây pháo phụt loại dài 60cm; 3 thùng chứa 180 cây pháo phụt và 1 thùng chứa 1.200 cây pháo phun lửa do nước ngoài sản xuất…

Pháo lậu vượt biển vào Việt Nam

Đường bộ bị bắt giữ nhiều, các đầu nậu buôn bán pháo từ Trung Quốc về Việt Nam lại nghĩ ra cách vận chuyển bằng đường biển. Cùng với Lạng Sơn, Quảng Ninh đang được coi là mặt trận nóng bỏng về vấn đề pháo lậu.

Theo Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh), đến thời điểm này, riêng đơn vị đã bắt giữ hơn 5 tấn pháo lậu. Trong đó, việc lợi dụng thủ đoạn vận chuyển pháo lậu qua biên giới thì có nhiều, nhưng hiện nay, các đối tượng đang lợi dụng các phương tiện thủy để vận chuyển được lượng pháo lớn hơn.

Thực tế, vào tháng 5/2008, Đồn Biên phòng cửa khẩu Vạn Gia đã bắt quả tang tàu TH-0565 do Lê Văn Trung làm thuyền trưởng đang vận chuyển 13 thùng pháo hoa, trọng lượng 208kg cất giấu trong khoang máy.

Cuối tháng 11/2008, cũng Đồn Biên phòng cửa khẩu Vạn Gia lại bắt giữ 1 tàu mang BKS QN- 8227 TS đang trên đường vận chuyển 260kg pháo hoa các loại từ Trung Quốc về Việt Nam. Công an TP Móng Cái cũng đã bắt giữ được 1 vụ vận chuyển 500kg pháo trên khoang một tàu biển.

Ngoài ra, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng được thuê vận chuyển pháo còn sử dụng các bè, mảng đưa pháo từ biên giới ra nơi tập kết tàu cao tốc ở ngoài đảo.

Điển hình là vụ Phạm Gia Chiên (Móng Cái) đưa theo con và cháu nhỏ đi trên một chiếc mảng xốp sang tận Đông Hưng (Trung Quốc) vận chuyển thuê 98kg pháo hoa dàn các loại….

Năm nay, tuyến biển của Nghệ An cũng đang trở thành điểm nhức nhối về pháo lậu. Các đầu nậu pháo đã chọn vùng bờ biển của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò, Cửa Hội để tập kết pháo lậu từ dưới tàu lên bờ, chia nhỏ về tập kết tại các nhà dân ven biển, sau đó bằng nhiều cách vận chuyển đến TP Vinh, Hà Nội, thậm chí cả vào TP HCM tiêu thụ…

Ngoài các đầu nậu chuyên vận chuyển pháo bằng tàu biển, các ngư dân của các xã ven biển cũng tranh thủ những chuyến đi biển đánh cá để mua bán pháo, vận chuyển về nhà cất giấu chờ thời cơ vận chuyển đi tiêu thụ.

Lực lượng Công an, Biên phòng đóng quân ở các xã ven biển thuộc 2 huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu đã phát hiện hàng chục vụ, thu giữ hàng ngàn kilôgam pháo lậu các loại…

Trăm mối nguy từ pháo lậu

Năm nay, trên thị trường xuất hiện quá nhiều loại pháo lậu nguy hiểm, có khả năng gây sát thương đến tính mạng con người. Đó là loại pháo tràng, to bằng lồng bàn, khi nổ thì gây tiếng động vang trời. Pháo ông sư hay còn gọi là pháo lựu đạn, sau tiếng nổ chính là hàng tràng pháo con bắn ra tung tóe….

Trước đây, khi việc đốt pháo chưa cấm, những loại pháo đơn thuần đã gây ra nhiều vụ thương tích cho người đi đường, thậm chí cả với người sử dụng. Nay, thêm các loại pháo kiểu "quái chiêu" này, sự sát thương với người dân qua lại nơi đốt pháo là khó tránh khỏi.

Hơn nữa, hiện pháo lậu đang tràn về các tỉnh, thành phố để đến bán cho đám thanh, thiếu niên thích chơi ngông. Các đối tượng đang sử dụng rất nhiều phương tiện khác nhau, nguy hiểm nhất là việc vận chuyển pháo kèm theo hành khách từ Lạng Sơn hay Quảng Ninh về các tỉnh, thành phố khác. Chỉ cần sơ sểnh một mồi lửa hoặc nếu có sự va chạm giao thông của xe khách thì những khối lượng pháo đó sẽ có sức công phá lớn, tính mạng của hàng chục hành khách không thể bảo toàn…

Nhóm PVTS
.
.
.