Một kiểu khuyến mại, giảm giá kì lạ

Thứ Bảy, 17/03/2012, 20:09
Thời gian gần đây tại cửa hàng kinh doanh máy tính trên phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội nhộn nhịp suốt cả ngày. Sở dĩ có chuyện như vậy là ngay trước cửa hàng treo một băng rôn với hàng chữ nổi bật: Máy tính bảng Bipad 9 - 1.980.000đ - trải nghiệm giá - tiết kiệm 30%.

Từ thông tin này truyền đi, đã có đông khách hàng tìm đến, đa phần là thanh niên trẻ, trong đó phần lớn là nam nữ sinh viên. Với số tiền hai triệu được sử dụng một máy tính màn hình 7 inch, gọn nhẹ, thời trang, đầy đủ tính năng ai mà chẳng háo hức, tôi là một trong những khách hàng như vậy.

Vào buổi sáng chủ nhật 11/3, tôi tìm đến địa chỉ trên và có ý định mua một cái để sử dụng. Cửa hàng khoảng 20m2 chật cứng người, có lẽ tôi là một trong những khách hàng lớn tuổi nhất, còn lại đa phần là thanh niên trẻ, họ chăm chú tìm hiểu các tính năng của máy, nhân viên cửa hàng luôn bận rộn hướng dẫn khách hàng và trả lời các câu hỏi thắc mắc…

Nhìn chiếc máy tính xinh xắn, gọn nhẹ, màu sắc rực rỡ với giá tiền hợp lí ai mà chẳng thích, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu tác dụng của máy, công năng ưu việt so với các chủng loại máy khác có đạt yêu cầu không và quyết định mua. Cứ tưởng xuống tiền là được mang máy ngay về sử dụng, ai ngờ đây mới chỉ là bước đầu để khách hàng tiếp cận, làm quen với máy cho thỏa chí tò mò… còn ai muốn mua phải đặt tiền trước 100% sau đó chờ đợi trong khoảng 1 tháng mới lấy được hàng, còn khách hàng nào “máu” muốn mua ngay cũng ok nhưng với giá là 2.700.000đ, chưa kể các phụ kiện khác như bao da, bàn phím, cài đặt phần mềm cho thêm chương trình theo yêu cầu, chi phí thêm vào khoảng gần một triệu đồng.

Trên thị trường đã có nhiều chiêu quảng cáo, khuyến mại, giảm giá, bán hàng theo kiểu đa cấp nhằm đánh vào tâm lý khách hàng hám rẻ theo kiểu: “Ai hám lợi chấp nhận rủi ro”. Trong trường hợp kinh doanh máy tính của cửa hàng này có điều gì làm tôi phải suy nghĩ, gợn trong đầu dấu hỏi: “Tại sao phải đặt cả tiền là 100% mới có hàng? Đã gọi là đặt cọc mua hàng có thể là 30-50%, chưa hết khi hàng mang về chưa đạt yêu cầu của khách hàng thì sao? Lúc đó “tiền đã trao - cháo phải múc”, mọi rủi ro khách hàng nắm đằng lưỡi đều phải chịu”. Với suy nghĩ như vậy tôi quyết dịnh không mua nữa ra về.

Có ý kiến cho rằng kinh doanh theo kiểu này doanh nghiệp không cần vốn mà lại an toàn tuyệt đối. Khách hàng gom tiền cho cửa hàng đi nhập về bán, tiền lãi bỏ túi bao nhiêu đã được định đoạt từ trước ngoài ra doanh nghiệp tránh được rủi ro tồn hàng, đọng vốn. Đây là cách kinh doanh không mới nhưng vẫn có nhiều người hoa mắt với những chiêu quảng cáo giảm giá “tiết kiệm tới 30%”.

Mong mọi người mua hàng hết sức tỉnh táo, cân nhắc và tìm hiểu kĩ chiêu thức bán hàng, tránh mọi sự cố rủi ro khi việc đã rồi. Luôn ghi nhớ câu thành ngữ: “Khách hàng lúc nào cũng phải là người thông thái”

Nguyễn Duy
.
.
.