Mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách
- Giảm tăng trưởng kinh tế, tăng ngân sách quốc phòng
- Tăng chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu cho 20 Cục Hải quan
- Siết “hàng xách tay” tránh thất thu thuế!
Báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.
Rà soát chiến lược vay nợ trong nước
Theo báo cáo, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới với tư cách là nước có mức thu nhập trung bình thấp (LMIC) trong khi bức tranh tài chính cho phát triển thay đổi nhanh chóng, do đó đòi hỏi phải có một sự thay đổi trong chiến lược huy động và sử dụng các nguồn tài chính cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Mặc dù tổng nguồn lực tài chính cho phát triển ở Việt Nam (nguồn công và tư, nguồn quốc tế và trong nước) đã gia tăng về số lượng, với mức nguồn lực tài chính cho phát triển trên đầu người tăng từ 511 USD /người năm 2002 lên đến 1.226 USD/người năm 2015 nhưng vẫn còn thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (1.937 USD/người).
Đáng chú ý, việc phải đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu thường xuyên ngày càng tăng đã tạo nên sức ép lớn đối với ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, tổng chi tiêu thường xuyên của Chính phủ (không kể những khoản trả nợ gốc) đã tăng vọt lên 75,11% năm 2015 so với năm 2011 và tăng gần gấp đôi so với mức tăng nguồn thu ngân sách phi viện trợ (38,9%) trong cùng thời kỳ. Những khoản chi này đóng góp vào mức thâm hụt ngày càng lớn của ngânsách Nhà nước (bao gồm các khoản trả nợ gốc cho các chi tiêu của chính phủ) từ khoảng 4,0% GDP năm 2011 lên 6,3% GDP năm 2015.
Mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách. |
Trong khi đó, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực bù đắp cho sự sụt giảm các nguồn thu từ dầu thô và các hoạt động xuất nhập khẩu nhưng mức gia tăng các nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí vẫn không đủ để đảo ngược xu hướng giảm tỷ trọng thu ngân sách phi viện trợ trên GDP. Trong khi tỷ trọng thu ngân sách phi viện trợ trên GDP của Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN thì thu ngân sách chính phủ trên đầu người và nguồn thu từ thuế/phí trên đầu người chỉ đứng hàng thứ 5 trong các nước ASEAN được so sánh trong báo cáo.
Đối diện với tình trạng suy giảm nghiêm trọng về nguồn thu ngân sách phi viện trợ, nguồn vay của Chính phủ trong các năm 2010-2015 đã tăng lên nhanh chóng - đặc biệt từ các nguồn trong nước nhằm tài trợ cho thâm hụt ngân sách và ngăn chặn tình trạng giảm sút hơn nữa mức đầu tư công, làm cho mức tồn dư nợ công trong nước năm 2015 tăng gần 2,5 lần so với năm 2011. Tình trạng tăng lên nhanh chóng của các khoản vay nợ công trong nước chứa đựng nhiều rủi ro vì hầu hết trái phiếu Chính phủ đều do các ngân hàng thương mại nắm giữ, lên đến 79,6% cuối năm 2011 và 55,4% cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, hầu hết trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong các năm 2010-2013 đều có kỳ hạn ngắn (hơn 74% có thời hạn 3 năm hoặc ngắn hơn) và có chi phí huy động cao (với lãi suất bình quân hơn 10% cho trái phiếu thời hạn 5 năm). Điều đó dẫn đến những nghĩa vụ thanh toán rất nặng nề, vào một số thời điểm trong các năm 2014-2016, đã vượt quá khả năng thanh toán của ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, các khoản Chính phủ vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Qũy tích lũy để trả nợ và vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã đến giới hạn, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các định chế tài chính này; các khoản nợ của các DNNN và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ trung ương, cũng là một nguồn rủi ro đáng kể nữa đối với tính bền vững của cáckhoản nợ công.
“Những điểm trên đây cùng với các khoản nợ xấu và sức ép liên quan lên tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng (đặc biệt trong các năm 2006-2010 và 2011-2015) cho thấy Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp tái cấu trúc nợ trong nước và rà soát lại chiến lược vay nợ trong nước”, báo cáo khuyến cáo.
Tăng tốc phát triển kinh tế tư nhân
Với triển vọng tài chính phát triển có các gam màu pha trộn như vậy, Báo cáo cho rằng, Việt Nam phải xử lý một số thách thức chủ yếu để có thể bảo đảm tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng ở một số nguồn lực tài chính và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn ở các loại hình tài chính quan trọng khác.
Phải tăng tốc phát triển khu vực kinh tế tư nhân; chuyển định hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng; nỗ lực nâng cao hiệu quả và hiệu lực của chi tiêu và đầu tư công. Đặc biệt, cần cải thiện tính bền vững của nguồn thu ngân sách thông qua việc mở rộng cơ sở thuế và quản lý tốt hơn tài sản Nhà nước.
“Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả. Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn”, báo cáo khuyến nghị.