"Minh oan" cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam

Thứ Năm, 01/09/2011, 14:07
Ngày 31/8, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức họp báo bác bỏ cáo buộc của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh về việc Việt Nam dùng gỗ lậu có nguồn gốc từ Lào xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU được công bố trong bản kết luận điều tra với tiêu đề (tạm dịch ra tiếng Việt) “Giao lộ - Thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Lào và Việt Nam”.

Tại buổi họp báo, ông Trần  Đức Sinh – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết: Thông báo của EIA đã cáo buộc một số công ty của Việt Nam (trong đó có Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 và 5 DN khác) mua gỗ bất hợp pháp từ Lào và sử dụng nguyên liệu này sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Các cáo buộc sai trái này đã phần nào gây áp lực cho tiến trình đàm phán thỏa thuận đối tác tự nguyện (VPA) giữa Việt Nam và EU.

Ngày 30/7/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản bác lại những thông tin sai trái trong bản báo cáo này. Vietfores cũng khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. “Thứ nhất, gỗ của các DN Việt Nam nhập khẩu từ Lào hoàn toàn là gỗ hợp pháp. Và thứ 2, chúng ta không sử dụng gỗ đó để xuất khẩu sang Mỹ và EU. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vietfores cho biết.

“Không chỉ thông tin sai lệch, phương pháp và qui trình điều tra của tổ chức EIA cũng không minh bạch. EIA đã cử người giả danh là khách hàng mua gỗ để tiếp cận với một số DN Việt Nam, ghi âm và ghi hình ảnh bí mật, đặt nhiều câu hỏi mờ ám trong khi người được phỏng vấn không biết rõ mục đích điều tra. Hầu hết trích dẫn trả lời của các cá nhân trong báo cáo không phải là người có trách nhiệm phát ngôn của DN”.

Vietfores cũng chỉ ra rằng, bản báo cáo không đưa ra được những số liệu cụ thể, sử dụng những hình ảnh cũ, không xác thực, nhận định qui chụp, sai sự thật. Tất cả những DN của Việt Nam bị EIA cáo buộc nhập khẩu gỗ trái phép từ Lào đều đã có đơn thư bác bỏ.

Những thông tin trong báo cáo của EIA là sai lệch và vu khống.

Trước đó, vào năm 2008, họ cũng đã phát hành báo cáo về việc buôn bán gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam, Lào và Campuchia và Bộ NN&PTNT cùng với Vietfores đã tổ chức 2 cuộc họp báo để phản bác. Tuy nhiên, phía EIA sau đó hoàn toàn im lặng. Về việc họ một lần nữa đưa ra những cáo buộc này, ông Trần Đức Sinh cho rằng đây chỉ là một “màn kịch”, với ý đồ cố tình gây ảnh hưởng xấu ngành xuất khẩu gỗ đang ngày càng phát triển của Việt Nam.

Đại diện Vụ Khoa học công nghệ - Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Qua làm việc với các đối tác, phía EU cho biết họ cũng không hào hứng đón nhận kiểu điều tra không minh bạch và không ủng hộ phương pháp điều tra này. Họ cũng cho biết rất thận trọng khi đón nhận báo cáo với những nguồn thông tin khác nhau. Đến thời điểm này các đơn hàng xuất khẩu của chúng ta chưa có gì ảnh hưởng.

Ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi đã có trao đổi với nước bạn Lào và khẳng định việc XNK gỗ được thực hiện đúng pháp luật của 2 nước. Chúng tôi khẳng định Việt Nam và Lào là 2 quốc gia có chủ quyền, đã có rất nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Chúng ta lắng nghe tất cả các ý kiến, nhưng trước những cáo buộc không đúng đương nhiên phải có phản hồi phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của DN Việt Nam”.

Được biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có thư ngỏ gửi tới EIA, Tổng cục Môi trường của EU, đại diện Liên minh châu Âu tại Hà Nội, tuy nhiên đến giờ EIA chưa có phản hồi.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Ngành xuất khẩu gỗ của chúng ta những năm gần đây ngày càng phát triển, mở rộng được thị trường và có uy tín cao trên thế giới. Hiện chúng ta là nước đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 10 trên thế giới về xuất khẩu gỗ với kim ngạch XK năm 2010 đạt 3,4 tỷ USD, 2011 ước đạt 4 tỷ USD. Trong những năm qua chúng ta đã cực kỳ nỗ lực, từ xuất khẩu thô chế đến tinh chế, từ các thị trường dễ tính đến khai mở các thị trường cực kỳ khó tính là EU, Mỹ và Nhật, với kim ngạch xuất khẩu mỗi ngày một lớn.

Hân Yến
.
.
.