Chuyện người quản lý:

Minh bạch hóa thị trường điện cạnh tranh

Thứ Bảy, 30/06/2012, 16:10
Chỉ còn 2 ngày nữa, vào ngày 1/7, thị trường điện cạnh tranh sẽ chính thức vận hành sau 1 năm chạy thử nghiệm. Đây là một sự kiện rất được quan tâm, bởi nó là bước đầu tiên của việc tiến đến một thị trường điện được hi vọng là minh bạch hơn.
>> Từ 1/7, giá điện bình quân tăng 65 đồng/số

Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai thị trường này vẫn còn không ít vướng mắc. Một phần trong số đó đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành giải đáp trong và bên lề cuộc tọa đàm trực tuyến về triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 diễn ra sáng 28-6.

Để triển khai được thị trường điện cạnh tranh, có 4 yếu tố phải đảm bảo hoàn thành là: khuôn khổ pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, con người và cơ cấu các nguồn điện tham gia thị trường. Trao đổi với PV ngày 28/7, ông Dương Quang Thành khẳng định “hầu như không có sự chậm trễ nào, cả 4 yếu tố cần đều đã sẵn sàng”.

Mục tiêu của việc vận hành thị trường điện cạnh tranh là tiến tới chấm dứt độc quyền, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề “vướng” khi EVN nắm giữ hoàn toàn khâu truyền tải, phân phối và cũng chiếm đến 66% nguồn điện phát. Nhiều câu hỏi đặt ra về việc có hay không khả năng EVN sẽ “ưu tiên người nhà” mà huy động của các nhà máy “con” của mình trước?

Người dân sẽ còn phải chờ đợi lâu mới có được thị trường điện như kỳ vọng.

Trả lời vấn đề này, ông Dương Quang Thành cho biết:  Để đáp ứng được yêu cầu theo QĐ 26 của Chính phủ năm 2006, Bộ Công Thương đã thành lập 3 Tổng Công ty phát điện hạch toán độc lập, nhưng trước mắt vẫn thuộc EVN. Ông Thành cho biết, việc cổ phần hóa hoàn toàn để các Tổng Công ty này đứng độc lập sẽ thực hiện “khi có đủ điều kiện” và việc minh bạch hóa các nhà máy tham gia thị trường “dần dần sẽ được đáp ứng theo yêu cầu”.

Thực chất, nếu ai đó kỳ vọng sự thay đổi lớn trên thị trường điện khi thị trường điện cạnh tranh vận hành chính thức chắn chắn sẽ thất vọng. Theo lộ trình, tại thời điểm hiện nay, mới chỉ có 29 nhà máy với công suất hơn 9000 MW tham gia thị trường, hi vọng đến 2014 sẽ có thị trường phát điện cạnh tranh; từ 2014- 2022 mới có thị trường bán buôn cạnh tranh và sau 2022 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Điều này có nghĩa là sau 2022 người dân mới có hi vọng được chọn mua điện của bất cứ đơn vị nào mình muốn, chứ không chỉ EVN. Lộ trình đã xa như vậy, việc thực hiện còn mù mịt hơn, bởi theo ông Dương Quang Thành, đến 2014 “rất khó” thực hiện được việc cổ phần hóa 3 Tổng Công ty phát điện.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Để có đươc thị trường điện phải chuẩn bị rất nhiều từ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin đến sự phát triển của hệ thống điện. Trong khi đó, hệ thống hiện rất khó khăn, cung cầu chưa có được sự cân bằng cần thiết nên thị trường sẽ hoạt động không được như mong muốn. “1/7 mới là giai đoạn khởi đầu, kỳ vọng giá điện sẽ rẻ đi ngay lập tức là rất khó khăn. Hiện giá điện của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực, nên các nhà máy có xu thế chào giá cao hơn so với giá chúng ta đang quy định hiện nay”. Điều này có nghĩa là khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, xu hướng giá bán lẻ điện sẽ cao lên hơn là thấp đi

Vũ Hân
.
.
.