“Méo mặt” vì vay tiêu dùng, mua trả góp
Hậu quả của việc không đọc kỹ hợp đồng
Chị Trình (Biên Hoà - Đồng Nai) bức xúc cho chúng tôi biết, ngày 16/8/2010, chị đến cửa hàng bán xe gắn máy thuộc Công ty TNHH Đại Hải Phát (quốc lộ 1A thị trấn Trảng Bom, Đồng Nai) và tại đây chị được nhân viên tư vấn, hướng dẫn mua xe và cách thức vay trả góp. Sau khi nghe tư vấn, chị Trình chọn mua chiếc Air Blade màu đỏ với giá 38 triệu đồng. Nếu trả trước 19 triệu đồng, số tiền còn lại chị được nhân viên tư vấn trả góp như sau: Thời gian trả góp 24 tháng, mỗi tháng trả 1.492.000 đồng. Sau khi góp 4 tháng, công ty sẽ xem xét để giảm số tiền đóng mỗi tháng ít hơn. Nếu trả hết tiền trước thời hạn (sau 4 kỳ đóng) thì chị Trình có thể thanh lý hợp đồng để lấy giấy tờ gốc của xe.
Đồng ý với cách tính của nhân viên tư vấn, chị Trình đã ký hợp đồng mua xe. Từ ngày 20/9/2010 đến ngày 19/4/2011, chị Trình liên tục đóng 8 kỳ với tổng số tiền 11.936.000 đồng. Nghĩ rằng số tiền nợ còn lại không nhiều, chị Trình đã đến Công ty TNHH một thành viên PPF Việt Nam (viết tắt Công ty PPF) tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, để xin đóng hết số tiền còn lại và thanh lý hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, khi cầm "Biên bản chấm dứt hợp đồng" do Công ty PPF đưa, chị Trình không thể tin nổi khi thấy số tiền còn lại phải đóng là 19.276.972 đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hiền Thảo - Trưởng phòng Pháp chế Công ty PPF cho biết, đơn vị bán hàng cho chị Trình là Công ty TNHH Đại Hải Phát, còn PPF là công ty tài chính ký hợp đồng vay với chị Trình và Công ty PPF thay mặt chị Trình để trả nợ cho Công ty TNHH Đại Hải Phát. Trong hợp đồng tín dụng ký giữa Công ty PPF với chị Nguyễn Phú Trình cũng thể hiện rõ: Khoản cho vay trả góp là 20.939.000 đồng (bao gồm nợ còn lại sau khi trả tiền mặt là 19 triệu đồng, cộng với phí bảo hiểm 1.939.000 đồng). Lãi suất vay 4,82%/tháng, thời hạn trả 24 tháng, mỗi tháng đóng 1.492.000 đồng.
Còn với số tiền hơn 19 triệu trong "Biên bản chấm dứt hợp đồng", là số tiền sau khi đã trừ 7 kỳ (kỳ thứ 8 do chị Trình đóng tại Ngân hàng cùng với ngày thanh lý hợp đồng (ngày 19/4) nên máy tính của công ty chưa nhận kịp). Như vậy là trong Hợp đồng đã thể hiện rõ nhưng do chị Trình không xem kỹ hợp đồng nên hiểu sai. Đến lúc này, chị Trình mới bất ngờ "vì quá tin vào lời tư vấn của nhân viên công ty, chứ nếu biết số tiền phải vay quá lớn như vậy, đời nào tôi lại vay"…
NTD tìm hiểu các thông tin vay và lãi suất vay tại ngân hàng. |
Cần tìm hiểu kỹ lãi suất vay
Từ vụ việc của chị Nguyễn Phú Trình, chúng tôi tìm hiểu thị trường và nhận thấy, không chỉ mặt hàng xe gắn máy mà hiện nay có rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như: Tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, điện thoại, laptop… cũng đều thực hiện theo hình thức mua bán trả góp với điều kiện hết sức đơn giản. Chỉ cần CMND, hộ khẩu, và số tiền mặt trả trước 20% - 30% giá trị sản phẩm cần mua thì người tiêu dùng (NTD) sẽ sở hữu được sản phẩm đó. Phần nợ còn lại 70-80% thì đã có dịch vụ cho vay tiêu dùng trả hộ, thông qua việc ký hợp đồng với NTD. Thời gian vay được ký kết giữa đơn vị cho vay và NTD cũng rất linh hoạt: 6, 9,12, 15, 18 tháng… với mức trả mỗi tháng cũng chỉ một vài triệu đồng, nên rất phù hợp với túi tiền của người lao động.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm bán hàng có cho vay tiêu dùng tại quận 1, 5, Gò Vấp: Sau khi khách hàng chọn được sản phẩm ưng ý thì được nhân viên bán hàng đưa đến quầy của đơn vị cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, khi tư vấn cho khách hàng vay, hầu hết các nhân viên chỉ đưa ra số tiền vay, thời hạn vay, số tiền phải đóng hàng tháng… mà ít khi đề cập đến mức lãi suất, trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất đối với người vay.
Vì vậy, khi vay tiêu dùng NTD cần hỏi rõ về mức vay lãi suất bao nhiêu? Lãi suất đó được tính trên dư nợ cố định hay dư nợ giảm dần, tổng số tiền lãi phải trả trên khoản vay? Việc thanh lý hợp đồng trước hạn được tính như thế nào? Bởi vì, không tìm hiểu kỹ thông tin thì phần thiệt hại chắc chắn sẽ về phía NTD. Ngoài ra, cũng để tiếp cận được với NTD trong điều kiện dịch vụ cho vay tiêu dùng bùng nổ như hiện nay, có không ít nhân viên cũng đã tư vấn không đúng với thực tế như: đưa ra mức lãi suất thấp, cách tính lập lờ… nhưng khi khách hàng làm hợp đồng thì mức lãi suất trong hợp đồng "đẩy" lên quá cao so với mức khi tư vấn. Vì vậy, việc đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký vay là điều cần thiết mà NTD phải làm để tránh hệ lụy về sau