Máy lạnh gian lận xuất xứ được nhập lậu với quy mô lớn

Chủ Nhật, 09/04/2006, 08:31

Do máy lạnh của các nước ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, nhiều doanh nghiệp đã “phù phép” hàng Trung Quốc thành hàng Malaysia, Thái Lan… rồi bán ra thị trường kiếm lời. Hậu quả là hàng ngàn người dân bị lừa, Nhà nước mất 30% thuế.

Sự việc bị phát hiện khi Cục Hải quan Hải Phòng đặt nghi vấn nguồn gốc xuất xứ lô hàng nhập khẩu máy điều hòa nhiệt độ hai chiều gửi từ Công ty ISILICON SDN BHD (Malaysia) về Việt Nam qua cửa khẩu Hải Phòng. Đây là lô hàng của Công ty TNHH Điện lạnh điện máy Việt Úc có địa chỉ ở 13/333 phố Vọng, Hà Nội làm thủ tục nhập khẩu theo Vận đơn số 029 500 5864 do tàu RATHA BHUM chở vào Việt Nam.

Theo khai báo của chủ hàng, trong các container đó có 230 bộ máy điều hòa hiệu KANGAROO hai cục, hai chiều công suất lạnh 12.000 BTU mới 100%, xuất xứ từ Malaysia. Doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) chứng minh bằng được lô hàng đó có nguồn gốc từ một nước thuộc khu vực Đông Nam Á nên được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 20%.

Nhưng qua kiểm tra thực tế, sự thật khiến các cán bộ kiểm soát Hải quan hết sức bất ngờ: Trên toàn bộ bao bì và hàng hóa lô điều hòa không hề thể hiện xuất xứ và nhà sản xuất, trong khi đây lại là điều bắt buộc nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế qua các hiệp định thương mại. Kiểm tra các chi tiết có giá trị lớn như: máy nén, vỉ điều khiển, làn tản nhiệt… thể hiện rõ hàng được sản xuất từ Trung Quốc, các chi tiết còn lại không thể hiện nó có nguồn gốc từ đâu.

Tiếp tục kiểm tra, càng khẳng định sự sai lệch về xuất xứ giữa hàng hóa thực với hồ sơ nhập khẩu do doanh nghiệp xuất trình. Ngoài số lượng hàng trên, còn phát hiện 5 container nữa của 5 chủ hàng khác tại Việt Nam nhưng cùng một đối tác là ISILICON SDN BHD gửi từ Malaysia. Đó là các Công ty TNHH VNT ở Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội; Công ty Đầu tư và thương mại Việt Thái ở 114 Hạ Lý, Hải Phòng; Công ty TNHH Anh Tuấn ở Gia Lâm, Hà Nội; Công ty TNHH Hoàng Anh ở thành phố Vinh, Nghệ An và một số công ty khác.

Các doanh nghiệp trên không còn cách nào khác phải thừa nhận sự thật bởi chính các đại lý vận tải xác nhận toàn bộ những lô hàng trên đều trở về từ Trung Quốc. Nhưng tại 5 vận đơn (H/B) của 5 chủ hàng đều thể hiện cảng xếp hàng là Port Klang, Malaysia.

Về việc này, lãnh đạo Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã khẳng định: Chính các đại lý vận tải nói rõ là do yêu cầu của đối tác nước ngoài, mà đại lý của nước sở tại đã phải sửa vận đơn có xuất xứ từ cảng mang tên trên mới được chấp thuận. Thế là những lô hàng điều hòa "hồn Trương Ba, da hàng thịt" nghiễm nhiên về Việt Nam với đầy đủ giấy tờ cần thiết để đem lại lợi nhuận cho một số cá nhân.

Như vậy, với hàng chục ngàn bộ điều hòa đã được tung ra thị trường thì doanh nghiệp một mặt trốn được 30% thuế nhập khẩu, mặt khác tìm mọi thủ đoạn để móc túi từ 5 - 7 triệu đồng/bộ của người tiêu dùng bởi bao giờ họ cũng bán ra với giá của những thương hiệu điều hòa nổi tiếng.

Cơ quan chức năng và người tiêu dùng phải làm gì?

Khi điều tra phi vụ này, một điều hết sức ngạc nhiên và gây khó khăn cho công tác kiểm soát hàng hóa của cơ quan Hải quan là những bản xác nhận xuất xứ những lô hàng trên là có thật của một cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Đây là thủ đoạn mới, có sự móc nối hết sức tinh vi giữa các đối tượng được thực hiện ngoài biên giới quốc gia. Nếu các lô hàng đó có xuất xứ không từ ASEAN thì thuế nhập phải chịu là 50%. Khoản chênh lệch 30% thuế đối với mặt hàng như điều hòa là số tiền lợi nhuận không nhỏ chảy vào túi cá nhân. Đáng tiếc, đến khi bị phát hiện thì khối lượng lớn máy lạnh kiểu này đã vào Việt Nam và tiêu thụ trên thị trường tới cả chục ngàn bộ.

Qua điều tra trực tiếp tại Hà Nội được biết, sở dĩ sườn máy không ghi xuất xứ nhằm gán vào đó bất kỳ thương hiệu điều hòa nổi tiếng nào… khi khách có nhu cầu. Hiện tại, bộ điều hòa Trung Quốc hai cục, hai chiều công suất lạnh 12.000 BTU hiệu KW (hàng trung ương) được bán với giá 4.450.000đ. Nếu là hàng địa phương nhái trung ương ký hiệu A12DKH thì giá chỉ là 3.400.000đ. Nhưng cũng cục máy đó, dán nhãn Panasonic 12A hai cục một chiều với danh nghĩa chính hãng xuất xứ từ Malaysia thì giá phải là 9.500.000đ (gấp hai lần) và 11.700.000đ đối với máy 12R hai cục, hai chiều (gấp gần 3 lần). Thủ đoạn của bọn chúng là cho khách xem mẫu hàng thật, rồi dán tem đóng gói lại là điều hòa khác, người tiêu dùng khó phát hiện được.

Trước thực trạng trên, ngành Hải quan đã buộc một số doanh nghiệp phải tái xuất các lô hàng. Một số Hải quan địa phương đã ra quyết định tiếp tục giữ lại tìm biện pháp để xử lý như Hải quan Hải Phòng

Thanh Phong
.
.
.