Về sàn kinh doanh vàng tài khoản trái phép đầu tiên bị triệt phá:

Mất tiền đầu tư sàn vàng trái phép, vẫn phải “ngậm bồ hòn”

Thứ Ba, 24/02/2015, 11:31
Ngày 23/2, Cục Cảnh sát hình sự cho biết đã kết luận điều tra vụ Vũ Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX (Công ty VGX) kinh doanh trái phép tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong năm 2014, sàn kinh doanh vàng tài khoản trái phép của Công ty VGX đã bị lực lượng Công an triệt phá đầu tiên. Sau đó, một loạt sàn kinh doanh vàng tài khoản khác như Khải Thái, Gold 24, IG… bị lực lượng Công an triệt phá. Tìm hiểu thông tin từ cơ quan CSĐT mới thấy rằng, các đối tượng tổ chức sàn vàng trái phép có rất nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan quản lý và pháp luật. Và cuối cùng, phần thiệt luôn thuộc về những nhà đầu tư. 

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 1/2013, Vũ Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty VGX, lúc đó có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh chính thức cho mở sàn giao dịch, mời gọi khách hàng đăng ký tham gia. Để hoạt động, Công ty VGX phát triển các “đại lý” để tìm kiếm khách hàng. Khách hàng ký hợp đồng với Công ty VGX được tham gia vào sàn giao dịch, mỗi khách hàng sẽ có một tài khoản trên hệ thống cơ sở dữ liệu của VGX.

Cơ quan điều tra đang kiểm tra dữ liệu lưu lại hệ thống máy tính của Công ty VGX.

Các giao dịch trên sàn của VGX bao gồm 7 cặp vàng và ngoại tệ. Mỗi cặp giao dịch sẽ tương ứng với chỉ số giữa các đồng tiền và vàng tại những thời điểm nhất định. Tỷ giá này được công khai và cập nhật tự động, liên tục trên website www.vgx.vn của Công ty VGX. Vũ Đức Hiếu đặt mua của một công ty có uy tín trên thế giới, thể hiện giá tiền các quốc gia và vàng trên thế giới tại những thời điểm nhất định, đây gọi là phần mềm MT4. Khách hàng căn cứ vào bảng tỷ giá giữa các cặp tiền tệ và vàng ở trên để quyết định mua hoặc bán vàng hoặc tiền ngoại tệ.

Khách hàng nộp tiền vào tài khoản của VGX được mở tại các ngân hàng, tiền đó sẽ được chuyển thành “point”, đây là đơn vị tính của VGX với quy ước 1 “point” tương đương với 20 nghìn đồng. Trên tài khoản của khách hàng sẽ thể hiện mỗi khách hàng có bao nhiêu “point”. Tài khoản của khách hàng chỉ giao dịch được với VGX, các khách hàng không được quyền mua bán với nhau.

Đầu tháng 6/2013, Vũ Đức Hiếu làm thủ tục chuyển trụ sở công ty về Hà Nội. Để đối phó với pháp luật, Hiếu làm các thủ tục cho một người khác đứng tên pháp nhân chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VGX, nhưng trên thực tế mọi hoạt động của công ty đều do Hiếu điều hành.

Khai thác dữ liệu máy chủ của VGX, cơ quan CSĐT xác định, năm 2012 có 22 khách hàng, năm 2013 có 671 khách hàng, đến thời điểm 26/9/2014 (thời điểm sàn vàng bị triệt phá) thì tổng số khách hàng của VGX là 1.240.

Trong đó thể hiện nội dung, công ty lãi năm 2012 là hơn 36 nghìn USD; năm 2013 là hơn 1 triệu USD; năm 2014 lãi hơn 300 nghìn USD. Hoa hồng IB/đại lý năm 2012 nhận được là 0 USD; năm 2013 là hơn 700 nghìn USD; năm 2014 là gần 300 nghìn USD. Tổng số tiền khách hàng còn lại trên hệ thống (theo BALANCE) là gần 304 nghìn USD. Tổng số tiền khách hàng còn lại trên hệ thống đang giao dịch, nhưng chưa chốt lệnh (theo EQUITY) là hơn 238 nghìn USD.

Bị can Vũ Đức Hiếu bị đề nghị truy tố về tội “Kinh doanh trái phép”.

Có thể nói, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an là đơn vị đầu tiên phát hiện và triệt phá đối với loại tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản. Thông qua quá trình điều tra, các điều tra viên cho biết, đã phát hiện bị can Hiếu và các đối tượng có liên quan sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn đối phó với các cơ quan quản lý Nhà nước như: Ký kết các hợp đồng núp dưới danh nghĩa tư vấn đầu tư, cho đăng ký mở tài khoản trực tuyến trên trang chủ của công ty nên đã huy động được rất nhiều người tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với số lượng tiền lớn trong một thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Quá trình tham gia đầu tư vào sàn giao dịch của Công ty VGX, nhà đầu tư biết rõ lĩnh vực này đã bị Nhà nước cấm nhưng do hám lợi nhuận nên vẫn cố tình mở tài khoản để đầu tư. Khi Vũ Đức Hiếu bị cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt giữ, toàn bộ hệ thống sàn giao dịch của Công ty VGX ngừng hoạt động thì nhà đầu tư cũng không dám đến cơ quan điều tra để làm việc. Họ tự thỏa thuận với bị can Vũ Đức Hiếu để nhận lại một phần tài sản hiện có tại công ty VGX. Hiện Vũ Đức Hiếu và các nhân viên mới thanh toán được khoảng một nửa số tiền cho khách hàng (2,4 tỷ đồng) nhưng các khách hàng cũng đành “ngậm bồ hòn”. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xác minh của cơ quan Công an.

Việc Công ty VGX hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản như phân tích ở trên được công khai trên website www.vgx.vn, nhưng các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực truyền thông, quản lý thị trường đã không phát hiện và xử lý. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bị can Vũ Đức Hiếu phạm tội trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện.

Hiện cơ quan CSĐT đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố bị can Vũ Đức Hiếu về tội kinh doanh trái phép. Đồng thời, cơ quan điều tra cho biết, trong quá trình điều tra vụ án, đã phát hiện tại Việt Nam hiện có 24 sàn giao dịch vàng/ngoại tệ trên tài khoản vẫn cố tình hoạt động với thủ đoạn che đậy tinh vi, huy động lượng lớn khách hàng đầu tư. Hoạt động này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, cơ quan điều tra đã bàn giao các tài liệu này cho các cơ quan chức năng để phối hợp ngăn chặn các hoạt động kinh doanh trái phép, làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng và tiền tệ.

Ngày 30/12/2009, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 369/TB-VPCP, thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Thông báo nêu rõ: “Không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày có Thông báo kết luận này, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/6/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 17/2010/TT-NHNN, nêu rõ: “Các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31/7/2010. Các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng… hết hiệu lực kể từ ngày 1/8/2010”.

Cũng theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 và Khoản 9, Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các hoạt động kinh doanh này là thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

T. Hòa
.
.
.