Mạnh tay xử phạt các doanh nghiệp vi phạm

Thứ Hai, 06/12/2010, 15:22
4.136,9 tỷ đồng là tổng số tiền các doanh nghiệp nợ BHXH trên toàn quốc. Đây là số liệu mới chỉ được BHXH Việt Nam cập nhật đến hết tháng 8/2010. Cùng với nợ BHXH ở mức cao thì sau khi triển khai Luật Bảo hiểm thất nghiệp, đến nay số tiền các doanh nghiệp nợ cũng đã lên tới 118,1 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là 2.085,9 tỷ đồng...

Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến tháng 10/2010 cả nước đã có hơn 9,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 55 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện và trên 50 triệu người tham gia BHYT.

Số lượng người tham gia BHXH đã tăng dần theo từng năm chứng tỏ người lao động đã thực sự quan tâm và thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH. Tuy nhiên, cùng với đó thì ngành BHXH lại đang đối mặt với tình trạng nợ đọng, dây dưa kéo dài, thậm chí là chây ỳ, sẵn sàng chịu nộp phạt để chậm đóng BHXH của một số doanh nghiệp trên cả nước. Những tỉnh, thành phố luôn có số nợ lớn như TP Hà Nội, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh…

Theo ông Lê Bạch Hồng thì việc nợ đọng tiền BHXH lớn như vậy, có thể thấy trước mắt, chưa có ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động vì người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng nếu người lao động được chi trả các khoản BHXH ngắn hạn mà doanh nghiệp nợ BHXH nếu phá sản thì người lao động sẽ mất thời gian tham gia, ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hưu sau này, cũng như không đủ thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Gần đây, việc xử phạt nợ BHXH đã được quy định tăng lên nhưng thực tế thì vẫn quá nhẹ. Khoản phạt hành chính tối đa 30 triệu đồng không phải là nhiều so với nhiều tỷ đồng chậm nộp BHXH của doanh nghiệp. Quy định về việc tính lãi tiền nợ hiện nay tương đương với mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố, tức là thấp hơn nhiều so với lãi suất thực tế nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp chậm và bị tính lãi suất thấp hơn là đi vay tiền ngân hàng.

Với những vi phạm kéo dài trong việc thực hiện pháp luật BHXH, TP HCM đã tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp nợ đọng lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cản trở trong việc kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa. Và lần đầu tiên BHXH Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành phố thành lập ban thu nợ.

Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng cho biết, ban thu nợ do các tỉnh thành lập sẽ là một tổ công tác liên ngành bao gồm: Thanh tra Nhà nước của tỉnh và các sở, ban ngành liên quan. Ban thu nợ này sẽ hoạt động lâu dài bắt đầu từ cuối tháng 10 vừa qua, và định kỳ hàng tháng đều thực hiện rà soát các khoản nợ.

Tuy nhiên về lâu dài ông Hồng cũng kiến nghị cần sửa lại một số quy định của pháp luật lao động về bảo hiểm xã hội, như giao cho cơ quan BHXH có quyền thanh tra, xử phạt những đơn vị vi phạm và cần có những chế tài mạnh hơn để xử lý những đơn vị chậm nộp làm ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động

Thu Uyên
.
.
.