Lỏng lẻo “kiểm tra” doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Hải Phòng

Thứ Sáu, 23/04/2010, 09:38
Không phủ nhận những chính sách thông thoáng của Hải Phòng những năm vừa qua, nhằm "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, thực thi các dự án đô thị hiệu quả. Tuy nhiên, do khâu "hậu kiểm" còn lỏng lẻo, đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng vi phạm, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Sau cấp giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp… thả nổi

Trung bình mỗi năm, TP Hải Phòng cấp mới hơn 3.000 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Như vậy, tính đến đầu năm 2010, Hải Phòng đã có 17.640 doanh nghiệp (DN). So với cách đây 10 năm, chỉ khoảng 9.000 DN thì con số này đủ thấy tốc độ phát triển DN là khá nhanh, nhờ chính sách thông thoáng, tạo mọi điều kiện để DN thành lập và hoạt động của TP Hải Phòng. Tuy nhiên, một số DN đã lợi dụng việc thông thoáng này để vi phạm pháp luật mà biểu hiện là sự xuất hiện một loạt những DN "ma" bị phát giác gần đây.

Chỉ đến khi, thành phố triển khai công tác "hậu kiểm" ĐKKD (năm 2009), bản chất lừa đảo, trá hình của những DN "ma" này mới được lật tẩy thì đã muộn. Báo cáo của Sở KH&ĐT Hải Phòng cho hay, trong số 1.800 DN được rà soát mới đây, Sở đã rút giấy phép chứng nhận ĐKKD của 518 DN vi phạm.

Nhiều dự án cạnh đường Lê Hồng Phong được giao đất từ lâu, đến nay vẫn để hoang cho cỏ mọc.

Không ít DN thành lập chỉ để móc ngoặc mua bán hoá đơn GTGT, lừa đảo vay vốn ngân hàng và cá nhân rồi sau đó mất tích, song không hề thấy chính quyền hay cơ quan nào phát giác (!?). Lý giải về việc này, các Sở, ngành liên quan ở Hải Phòng cho rằng, là do vai trò quản lý Nhà nước trong việc giám sát hoạt động của DN còn có những hạn chế và bất cập…

Nhiều dự án đô thị lai rai vẫn chưa bị thu hồi

10 năm trở lại đây, bộ mặt đô thị Hải Phòng đã có những khởi sắc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu so với những tỉnh, thành phố có chung hoàn cảnh kinh tế và điều kiện địa lý thì đô thị Hải Phòng phát triển vẫn rất ì ạch, do hàng loạt dự án đô thị vẫn… giậm chân tại chỗ. Bởi vì, từ cách đây hơn 10 năm, những trung tâm thương mại, cao ốc được coi là "điểm nhấn" của bộ mặt đô thị Hải Phòng đã được quy hoạch và cụ thể hoá bằng các dự án. Đáng tiếc, gần một thập kỷ trôi qua, những "điểm nhấn" đó dường như vẫn "đóng băng" và nếu có triển khai thì cũng rất ì ạch.

Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Sở Dầu (quận Hồng Bàng), nằm ngay mặt tiền QL 5 Hải Phòng - Hà Nội, được phê duyệt cách đây gần 10 năm. Đây là dự án được thành phố hết sức kỳ vọng bởi nó làm tăng sự hiện đại của đô thị loại 1 cấp quốc gia. Nó lại nằm ngay cửa ô số 1 vào thành phố. Sẽ thật là hãnh diện nếu bây giờ dự án này đã hoàn tất, với những cao ốc 25-30 tầng, thấp nhất cũng 9 tầng. Chỉ tiếc, đến nay hình hài khu đô thị mới vẫn chưa thấy đâu...

Phần đông các chủ DN khi đưa ra nguyên nhân chậm trễ của các dự án do mình làm chủ đầu tư đều viện đủ mọi lý do, trong đó khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng tới tài chính của công ty, được "vin" vào nhiều nhất. Thực tế thì, khủng hoảng tài chính xảy ra từ cuối năm 2008, trong khi hầu hết những dự án nói trên đều được phê duyệt từ cách đây 5-10 năm. Nhiều nhà quản lý cho rằng, cốt lõi của sự chậm trễ triển khai dự án chính là năng lực tài chính cộng với công tác điều hành của DN còn yếu kém. Trong khi đó, phía các cấp, ngành địa phương lại chưa sâu sát để đôn đốc, kiểm tra, nhất là chưa có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn tình trạng "ngâm tôm" những dự án như vậy.

Khắc phục bằng cách tăng cường "hậu kiểm" và xử lý nghiêm DN vi phạm

Được biết mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đan Đức Hiệp đã có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan công tác cấp phép ĐKKD và thẩm định, tham mưu phê duỵêt dự án. Theo đó, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền ý thức trách nhiệm của DN; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ sở, ngành liên quan, ông Hiệp yêu cầu Sở KH&ĐT sớm xây dựng chương trình quản lý và phát triển DN giai đoạn 2011-2015, đặc biệt xây dựng quy chế phối hợp "hậu kiểm" sau cấp giấy chứng nhận ĐKKD giữa các sở, ngành và địa phương.

Đồng thời, Sở KH&ĐT và Cục Thuế thành phố phối hợp, xử lý dứt điểm DN bị đóng mã số thuế tạm thời. Riêng các cơ quan hành pháp, khẩn trương hoàn tất hồ sơ những DN vi phạm để có cơ sở xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục, răn đe hiệu quả. Đối với những dự án quá chậm trễ, kéo dài, UBND thành phố cũng đã giao UBND các quận có liên quan rà soát lại tổng thể, có phương án xử lý với từng trường hợp

Lệ Thu
.
.
.