Lợi ích từ rừng ngập mặn ven phá Tam Giang – Cầu Hai

Thứ Ba, 17/03/2020, 08:46
Thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá, 5 năm qua (2015-2020), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trồng được 400ha rừng, trong đó rừng ngập mặn (RNM) tập trung ven phá Tam Giang – Cầu Hai chiếm 125ha.

Những cánh rừng này không những tạo vành đai bảo vệ môi trường sinh thái, giảm tác động xâm nhập mặn mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương.

Đưa chúng tôi đi tham quan cánh RNM như một vành đai bao bọc lấy khu phá Tam Giang rộng lớn, ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi không giấu được niềm vui, cho biết, nếu trước đây diện tích rừng ven phá chủ yếu là cây bản địa thì sau khi có dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với chính quyền và người dân địa phương trồng mở rộng diện tích RNM lên đến hơn 50ha với các loại cây dừa nước, sú, bần chua, đước.

Và, rừng đã phát triển rất tốt, tạo môi trường cho các loài thủy sản sinh sống, tạo vành đai chắn gió, chắn sóng cho người dân sống ven vùng đầm phá vào mùa mưa bão. Chỉ tính riêng năm 2019, người dân Quảng Lợi khai thác tép và rạm trong rừng ngập mặn, thu được hơn 20 tỷ đồng...

Một lợi ích khác mà RNM mang lại cho người dân Quảng Lợi là việc khai thác lá cây dừa nước để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Văn Bảy (55 tuổi, ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, Quảng Lợi) cho hay, ngoài việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang, các gia đình ở địa phương còn được lực lượng Kiểm lâm tập huấn công tác khai thác lá dừa nước để làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần tăng thêm thu nhập, khi lá cây dừa nước đến độ thu hoạch sau 5 năm.

Người dân xã Quảng Lợi khai thác lá cây dừa nước ở rừng ngập mặn ven phá Tam Giang-Cầu Hai để làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Trần Lợi, Giám đốc HTX mây tre đan Thủy Lập, xã Quảng Lợi, cây dừa nước của RNM ven phá Tam Giang đã mở ra cơ hội mới cho HTX trong việc liên kết với các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh về sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm. Lá cây dừa nước sau khi được người dân khai thác sẽ được dùng làm tấm lợp, vách ngăn nhà, dùng đan giỏ xách, làm nón, gói bánh, nội nhũ quả dừa non còn dùng để làm thực phẩm.

Tìm hiểu được biết, dự án đầu tư phát triển RNM ven biển và đầm phá có số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Ngoài xã Quảng Lợi, từ năm 2016 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã cấp giống cây để trồng RNM ven phá Tam Giang-Cầu Hai, nâng tổng số diện tích RNM lên đến 125ha, trong tổng số 421ha rừng mà dự án thực hiện được. Ngoài ra, các hộ dân ven phá còn được cấp hơn 500 nghìn cây giống ngập mặn để phục vụ công tác trồng rừng phân tán.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ, việc trồng thành công hơn 125ha RNM tập trung và số lượng lớn cây ngập mặn phân tán đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và kinh tế, xã hội cho khu vực đầm phá. Các đai rừng ngập mặn rộng từ 50-130m, dài hơn 30km trên phá Tam Giang-Cầu Hai và 20ha RNM tập trung ở khu vực Rú Chá (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) đã góp phần ngăn gió, giảm sóng, bảo vệ các tuyến đường ven phá; ngăn chặn rác, bèo tây từ đầm phá tràn vào đồng ruộng; là nơi neo đậu ghe thuyền an toàn trong bão lũ.

Bên cạnh đó, thảm cây rừng và rễ cây dày đặc ngăn cản tuyệt đối các hành vi đánh bắt bằng xung điện, tạo bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản. Nhờ thế sản lượng thủy sản ở các vùng RNM tăng lên đột biến, đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân. Ngoài ra, RNM trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn tạo nên diện mạo mới hấp dẫn khách du lịch. Chỉ tính riêng tại xã Quảng Lợi, thời gian qua, 3 tổ du lịch cộng đồng của xã đã đón và vận chuyển bằng thuyền hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan, khám phá.

Đặc biệt, khu rừng Rú Chá đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định cấp chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Rú Chá với số vốn hơn 350 tỷ đồng. Đây chính là những hiệu quả bước đầu do rừng ngập mặn mang lại...

Anh Khoa
.
.
.