Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc:

Lợi ích sẽ lớn hơn áp lực cạnh tranh?!

Thứ Tư, 13/05/2015, 08:17
Sau khi tiến hành ký tắt vào ngày 29/3 vừa qua, hướng tới ký kết chính thức trong vòng 6 tháng đầu năm, ngày 5/5, Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (VKFTA) với cam kết giảm hơn 90% các dòng thuế trong vòng 15 năm. Vậy, lợi ích Việt Nam được hưởng so với cam kết cắt giảm thuế của phía Hàn Quốc lớn hơn, hay áp lực cạnh tranh với một nước có nền sản xuất phát triển sẽ lớn hơn?

Với Hiệp định này, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế (theo Koreatimes, Hàn Quốc cam kết giảm thuế với 11.668/12.232 sản phẩm, hàng hoá), đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, v.v…

 
Hiệp định được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, v.v… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420%), nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. 

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ôtô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… 

Điều này gây lo ngại về sức cạnh tranh của sản xuất trong nước trước một nước có nền sản xuất phát triển như Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bộ Công thương nhận định, phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác, tiêu biểu là Trung Quốc. 

Nhận định này cũng trùng với quan điểm của Trung tâm WTO (thuộc VCCI) khi nhìn nhận về Hiệp định này. Trung tâm này cho rằng, VKFTA giúp chúng ta có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày, dép, điện tử, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác, có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các cam kết về dịch vụ và đầu tư trong AKFTA sẽ giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam minh bạch và thông thoáng hơn, thu hút hơn nữa đầu tư từ Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đã được hưởng lợi từ thỏa thuận đối tác thương mại Việt Nam – Nhật Bản năm 2009. 

Trung tâm WTO đánh giá, áp lực cạnh tranh sẽ không quá đáng lo ngại, do cơ cấu sản phẩm giữa hai bên là tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp; nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho những ngành này và trong Hiệp định thương mại ASEAN – Hàn Quốc, Việt Nam đã mở cửa đáng kể cho Hàn Quốc, do đó việc mở cửa tiếp theo không tạo ra cú sốc lớn.

V.H.
.
.
.