Vụ lừa đảo tại Chi nhánh Công ty XNKTH 1 - Đà Nẵng:

Lợi dụng thuế VAT moi tiền nhà nước

Thứ Tư, 23/03/2005, 07:13

Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đưa ra xét xử 16 bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 1, Đà Nẵng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bởi các bị can đã tiến hành nhiều thủ đoạn lấy của Nhà nước gần 16 tỉ đồng dưới danh nghĩa tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Là một cơ quan kinh doanh xuất nhập khẩu, trực thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 1, Bộ Thương mại, Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 1, Đà Nẵng (sau đây sẽ gọi tắt là Chi nhánh) do Nguyễn Quang Thuần làm giám đốc, có tài khoản và con dấu riêng, có quyền chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Về nghĩa vụ thuế, Chi nhánh thực hiện đăng ký kê khai nộp và xin hoàn thuế VAT tại Cục Thuế Đà Nẵng.

Trong số những bạn hàng làm ăn với Chi nhánh, Nguyễn Quang Thuần đã chọn Tăng Bá Trưởng, là chủ cơ sở mua bán nông hải sản ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, làm đối tác khi Trưởng đến gặp Thuần để bàn về việc xuất khẩu củ tỏi sang nước bạn Lào. Theo thỏa thuận giữa Thuần và Trưởng, cùng với sự giúp sức của Huỳnh Quốc Văn, là phó bộ phận xuất nhập khẩu 1, thì Tăng Bá Trưởng sẽ tìm nguồn hàng và đối tác để xuất hàng sang Trung Quốc, còn Chi nhánh chịu trách nhiệm tư cách pháp nhân. Mỗi khi có hàng, Chi nhánh sẽ cử cán bộ lên Lạng Sơn, đem sẵn giấy tờ làm thủ tục xuất khẩu. Xong việc, Thuần sẽ báo cho Tăng Bá Trưởng biết, để Trưởng tìm các hóa đơn giá trị gia tăng nguồn hàng mua vào. Cuối cùng, Nguyễn Quang Thuần chỉ đạo nhân viên kê khai xin hoàn thuế. Cứ mỗi “phi vụ”, Chi nhánh hưởng 0,4% trên tổng số tiền hoàn thuế, còn 4,6% thì Trưởng lấy để chi phí cho các khâu như mượn hàng khống, hóa đơn mua hàng.      

Tháng 10/2000, bộ ba Nguyễn Quang Thuần, Tăng Bá Trưởng và Huỳnh Quốc Văn lên Lạng Sơn. Tại đây, Trưởng đã giới thiệu cho Thuần gặp Vũ Văn Dũng, một tay buôn bán ở chợ Đồng Đăng. Sau khi bàn bạc, cả bọn phân công Dũng chịu trách nhiệm về mặt hàng mực khô và hợp đồng ngoại để xuất sang Trung Quốc, Trưởng chịu trách nhiệm lo hợp đồng nội, còn Chi nhánh cung cấp hồ sơ tư cách pháp nhân.

Chỉ mấy ngày sau, Vũ Văn Dũng đã đem về một bộ hợp đồng ngoại của Công ty Thương mại Đạt Thành, Trung Quốc, đặt mua 79 tấn mực khô. Lúc ấy, Thuần gọi Kế toán trưởng Chi nhánh là Phạm Thị Hồng Vân, đem tiền ra Lạng Sơn để chi phí và trả công cho Tăng Bá Trưởng 180 triệu đồng...

Có “đầu ra” thì cũng phải có “đầu vào”. Để hợp thức hóa số mực khô không hề có thật này, Nguyễn Quang Thuần, Tăng Bá Trưởng, Huỳnh Quốc Văn và Phạm Thị Hồng Vân bay vào Huế. Tại đây, sau khi gặp Phùng Hữu Dương, Giám đốc và Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Công ty Thương mại tổng hợp Thừa Thiên - Huế, Dương đã đồng ý xuất hóa đơn khống cho Chi nhánh, trong đó thể hiện Công ty Thương mại tổng hợp Thừa Thiên - Huế đã bán cho Chi nhánh 50 tấn mực khô. Đổi lại, Công ty Thương mại tổng hợp Thừa Thiên - Huế được Thuần chi tiền dịch vụ 192 triệu đồng. Tuy nhiên, mới chỉ 50 tấn thì chưa khớp với số lượng mực khô đã xuất, nên bộ sậu này đi tiếp ra Quảng Trị và được Nguyễn Quang Chước, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Hà ký hợp đồng khống, nội dung bán cho Chi nhánh 29 tấn mực khô. Chỉ với vài chữ ký, Nguyễn Quang Chước đem về cho công ty 136 triệu đồng.

Có thể nói, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản được Nguyễn Quang Thuần tính toán rất hợp lý. Giải quyết xong chuyện mua hàng, Thuần móc với Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh dịch vụ vận tải Quảng Trị để hợp thức hóa việc vận chuyển mực khô ra cửa khẩu Lạng Sơn. Tuấn đồng ý với điều kiện, là Thuần phải chi 6% trên tổng số cước phí.

Chuyến “hàng” đầu tiên “đi” trót lọt, và thủ tục hoàn thuế diễn ra thuận lợi nên tháng 11/2000, Thuần sai Huỳnh Quốc Văn, kết hợp với Tăng Bá Trưởng ra Lạng Sơn một lần nữa để gặp Vũ Văn Dũng, bàn chuyện "xuất tiếp... mực khô". Cũng như lần trước, 70 tấn mực khô lại  được mua từ Công ty Thương mại tổng hợp Thừa Thiên - Huế, và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Hà, rồi Chi nhánh Dịch vụ vận tải Quảng Trị chịu trách nhiệm chuyên chở. Với 2 lần xuất hàng ấy, Nguyễn Quang Thuần cùng đồng bọn  lừa đảo, chiếm đoạt 1,6 tỉ đồng.

Thừa thắng xông lên, Tăng Bá Trưởng móc với Phạm Thị Sơn, trú tại Lạng Sơn để cùng Chi nhánh của Nguyễn Quang Thuần, thực hiện các thủ đoạn lập hồ sơ khống hàng xuất khẩu. Lần này, bọn chúng không từ một thứ gì: Nông, lâm, hải sản như nhãn, xoài, cá tươi, cua, sắn lát, hạt giống, mực khô cho đến... thuốc nam, đều xuất khẩu tất tần tật. Tổng cộng, Phạm Thị Sơn đã cung cấp cho Nguyễn Quang Thuần 26 bộ hợp đồng ngoại của Công ty Thương mại Jin Yuan, Công ty Hợp tác kinh tế đối ngoại Quảng Tây, Công ty Mậu dịch Xương Phát, Công ty Biên mậu Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc.

Việc lừa đảo bị phát hiện, Huỳnh Quốc Văn và các nhân viên Chi nhánh như Nguyễn Ngọc Dũng, Phạm Hữu Cư, Trần Ngọc Gia khai: Khi được Tăng Bá Trưởng và Phạm Thị Sơn thông báo đi làm thủ tục hải quan, họ không hề biết chủ hàng là ai, địa chỉ ở đâu, qua cửa khẩu thì giao cho ai, trị giá thật của hàng hóa là bao nhiêu. Họ cũng không hề thực hiện việc nhận tiền bán hàng. Huỳnh Quốc Văn khai tiếp: “Sau khi được Phạm Thị Sơn cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại, số lượng hàng, giá cả  của khách hàng Trung Quốc, tôi thảo hợp đồng rồi giao Phạm Thị Sơn cầm đi lấy chữ ký, con dấu của bên mua. Sau đó, tôi chuyển cho Chi nhánh Đà Nẵng để làm thủ tục xuất”.--PageBreak--

Bằng những thủ đoạn ấy, tổng cộng từ tháng 12/2000 đến tháng 12/2001, Nguyễn Quang Thuần đã được Hải quan cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai cho phép xuất hàng. Không chỉ thế, Thuần còn ký giấy khống, đưa cho Phạm Thị Sơn để Sơn làm thủ tục xuất hàng với tư cách là người của Chi nhánh Đà Nẵng. Nhằm chứng minh nguồn gốc số hàng đã xuất, Tăng Bá Trưởng móc nối với cơ sở kinh doanh Phạm Ngọc Giàu, cơ sở Đoàn Đình Miền, cơ sở Vũ Thị Thúy ở tỉnh Hải Dương, để những nơi này cung cấp cho Trưởng hóa đơn bán hàng. Phạm Ngọc Giàu thú nhận: “Tôi không hề có quan hệ mua bán gì với Chi nhánh Đà Nẵng. Hóa đơn giá trị gia tăng tôi ký là hóa đơn khống”. Đoàn Đình Miền khai: “Tăng Bá Trưởng là em rể tôi. Tôi không làm ăn gì với Chi nhánh Đà Nẵng. Trưởng viết sẵn nội dung vào hóa đơn rồi nhờ tôi ký, và đưa tôi đến Chi cục Thuế huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để nộp thuế. Tiền nộp thuế do Trưởng bỏ ra”. Riêng Vũ Thị Thúy, người làm thuê cho cơ sở mua bán nông hải sản của Tăng Bá Trưởng thì khai: “Ông Trưởng bảo tôi làm thủ tục xin đăng ký, thành lập một cơ sở kinh doanh cho riêng tôi rồi từ đó, ông ấy bảo tôi ký hợp đồng bán hàng cho Chi nhánh Đà Nẵng”.

Một số hành vi phạm tội của Nguyễn Quang Thuần và đồng bọn:

Nguyễn Quang Thuần: Trực tiếp chỉ đạo thực hiện 28 hợp đồng khống xuất hàng cho 5 công ty ở Trung Quốc với tổng doanh số 296,8 tỉ đồng, trong đó Chi nhánh Đà Nẵng chiếm đoạt 15,7 tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Phùng Hữu Dương: Ký hợp đồng và hóa đơn bán hàng khống cho Chi nhánh Đà Nẵng, tổng trị giá 17,6 tỉ đồng. Công ty Thương mại tổng hợp Thừa Thiên - Huế nhận của Thuần 192 triệu đồng "tiền hóa đơn".
Nguyễn Quang Chước: Xuất khống hóa đơn bán hàng cho Chi nhánh Đà Nẵng, tổng giá trị 11,6 tỉ đồng. Công ty TNHH Hải Hà nhận "tiền hóa đơn" 116 triệu đồng.
Nguyễn Anh Tuấn: Xuất hóa đơn khống vận chuyển hàng ra Lạng Sơn, Chi nhánh Dịch vụ vận tải Quảng Trị nhận từ Nguyễn Quang Thuần "tiền cước" 6,6 triệu đồng.
Tăng Bá Trưởng: Nhận tiền của Chi nhánh Đà Nẵng chuyển cho nhiều lần, tổng cộng 6 tỉ đồng.
Phạm Thị Sơn: Nhận tiền của Chi nhánh Đà Nẵng chuyển cho 3,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, các cơ sở đã làm hóa đơn bán hàng khống cho Nguyễn Quang Thuần, đều được Chi nhánh Đà Nẵng trả công từ 500 nghìn đến 30 triệu đồng.

Từ phía Bắc, Nguyễn Quang Thuần, Tăng Bá Trưởng vươn tay vào một số tỉnh phía Nam. Tại Cần Thơ, chi nhánh Công ty TNHH Đại Việt do Đặng Thanh Tùng làm giám đốc, đã cung cấp cho Chi nhánh Đà Nẵng 3 bộ hợp đồng, 48 hóa đơn giá trị gia tăng. Công ty TNHH Trọng Tuấn, ở số S97, Bàu Cát, quận Tân Bình, Tp.HCM do Nguyễn Văn Thịnh làm giám đốc, đã hợp thức hóa cho Chi nhánh Đà Nẵng 2 hợp đồng và 11 hóa đơn, Công ty TNHH Đăng Khoa cũng ở quận Tân Bình, cung cấp 4 bộ hợp đồng, 62 hóa đơn giá trị gia tăng. Ma mãnh hơn, khi kê khai thuế, Công ty Đăng Khoa khai là mua của Công ty Đại Việt, Cần Thơ với giá trị tương ứng nên không phải nộp thuế (vì thuế đầu vào bằng thuế đầu ra). Công ty TNHH Việt Phương, ở số 162/1A đường Tân Hòa Đông, quận 6, Tp.HCM, chỉ trong 3 tháng đã ký cho Chi nhánh Đà Nẵng 4 bộ hợp đồng và 91 tờ hóa đơn, và cũng không phải nộp thuế doanh thu vì mua của Công ty Đại Việt, Cần Thơ với giá trị tương ứng. Còn nếu kể thêm nữa thì các công ty như Thiên Chương, Công ty Đại Việt ở quận Gò Vấp, Công ty Minh Châu ở quận Tân Bình, Công ty Tân ánh Dương ở quận 10, Tp.HCM, Công ty Đặng Thi ở thành phố Long Xuyên, An Giang, Công ty Phương Đông ở Tây Ninh, Chi nhánh Công ty Lê Quang Vinh ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cơ sở Nguyễn Quang Hưng ở tỉnh Hà Nam, đã cung cấp cho Nguyễn Quang Thuần hàng chục bộ hợp đồng khống và cả trăm tờ hóa đơn giá trị gia tăng để Thuần cùng đồng bọn, tiến hành làm thủ tục hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền. Không chỉ có thế, Chi nhánh Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Quang Thuần, còn sử dụng kim ngạch xuất khẩu của một số cá nhân, đơn vị có hàng hóa xuất sang Lào, Thái Lan như Công ty TNHH Á Châu, Công ty TNHH Đông Á, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ngọc... để lập hồ sơ xin hoàn thuế với doanh số 112 tỉ đồng, tiền được hoàn thuế là 7,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Điều tra, khi tiến hành xác minh thì cán bộ của Chi nhánh Đà Nẵng và các đơn vị nêu trên đều khẳng định việc mua bán là có thật. Hải quan Quảng Trị làm thủ tục xuất khẩu cũng là có thật nhưng qua xác minh, một số đơn vị đã bán hàng cho Chi nhánh Đà Nẵng, có biểu hiện vi phạm trong kê khai nộp thuế nên tiếp tục điều tra làm rõ, và nếu có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố để điều tra.

Tháng 3/2002, sau khi xác minh, Tổng cục Thuế có văn bản, thông báo về việc Công ty Đại Thành, Trung Quốc, là công ty “ma” thì những việc làm phi pháp của Nguyễn Quang Thuần và đồng bọn bắt đầu bại lộ. Ngày 3/10/2002, Nguyễn Quang Thuần bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an bắt tại Đà Nẵng. Sau đó, đến lượt Huỳnh Quốc Văn, Phạm Thị Hồng Vân cùng những kẻ khác lần lượt lên xe vào trại tạm giam. Riêng Tăng Bá Trưởng, Vũ Văn Dũng và Phạm Thị Sơn, ở ngoài Bắc khi nghe tin này, đã nhanh chân lẩn trốn.

Có thể thấy trong vụ án, Nguyễn Quang Thuần đã chỉ đạo toàn bộ việc cung cấp chứng từ khống ở đầu vào để Chi nhánh Đà Nẵng kê khai xin hoàn thuế. Chính vì vậy, mức án mà luật pháp dành cho Thuần là 15 năm tù giam, đồng thời bồi thường cho Nhà nước 4,6 tỉ đồng. Huỳnh Quốc Văn, Phạm Thị Hồng Vân mỗi người 7 năm tù giam, bồi thường tổng cộng 5 tỉ đồng, còn những kẻ khác cũng chịu hình phạt tương xứng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn còn có kẽ hở mà nếu các ngành chức năng không kịp thời hoàn thiện, thì trong tương lai loại hình tội phạm như bọn Thuần chắc sẽ còn xuất hiện nhiều vì rằng chỉ cần ký một số giấy tờ, bọn chúng đã có thể rút được hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng một cách... “hợp pháp”!

Vũ Cao
.
.
.