“Lộc rừng” - trái cứt chuột, mang niềm vui đến cho đồng bào Bana

Thứ Tư, 12/11/2014, 21:33
Đầu tháng 10/2014 đến nay, bà con Bana sinh sống ở 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) lại có thêm khoảng thu nhập tương đối, nhờ vào việc hái trái cứt chuột, một loại cây dược liệu mọc hoang trên rẫy. Niềm vui được nhân lên, bởi số tiền thu được từ việc bán trái cứt chuột đã giúp bà con đồng bào có thêm “nguồn vốn” để tăng gia, phát triển sản xuất.

Qua tìm hiểu, trong chuyến công tác mới đây, từ lời kể người dân chúng tôi biết được cây cứt chuột là loại cây mọc, xuất hiện nhiều nhất ở thôn O5. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ quả của cây này thường dùng để trị sốt rét rừng. Vì không được thu mua nên cứ đến mùa phát rẫy là cây bị đốt hoặc chặt bỏ. Song khoảng 5 năm gần đây, khi nhiều thương lái tới nhiều bản làng thu mua trái với giá cao, bà con thôn O5 mới chú ý đến nó và giữ gìn, chăm sóc để thu hoạch trái.

Chị Nguyễn Thị Cần, người thu mua trái cứt chuột thôn O5, đang dồn quả vào bao sau một buổi phơi.

Theo ông Đinh Mun, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, 2 năm nay trở lại đây, trái cứt chuột mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Thậm chí, ở thôn O5 có gia đình thu nhập 30-35 triệu đồng/năm nhờ vào việc thu hái trái cứt chuột này. “Đáng chú ý, cây cứt chuột có trái quanh năm, việc khai thác không ảnh hưởng lớn đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nên địa phương đã tiến hành khảo sát nhằm mục đích nhân rộng, giúp bà con ổn định nguồn thu nhập từ cây cứt chuột. Đồng thời, vận động bà con giữ lại loại cây này để phát triển sản xuất. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng loại cây này”, ông Mun cho biết thêm.

Yá Trăng làm sạch trái trước khi giao cho người thu mua.

Còn ông Đinh Phin - Trưởng thôn O5 khoe: “Cùng với cây chuối, cây cứt chuột không bao giờ lỗi thời. Mười mấy năm trở lại đây, nó đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho gia đình ông cũng như nhiều người dân ở nơi vùng cao này. Cũng theo ông Phin, người dân gom được bao nhiêu thương lái cũng sẵn sàng mua hết và tiền bạc rất sòng phẳng, thậm chí họ còn cho dân ứng trước để tìm hái. Giá mỗi kg trái cứt chuột tươi có giá từ 30-35 ngàn đồng”.

Tâm trạng phấn khởi của vị Phó Chủ tịch xã Vĩnh Kim ông Đinh Mun hay Trưởng thôn O5 Đinh Phin là có cơ sở. Bởi về các thôn bản O3, O5 hay Kon Trú vào dịp này, chúng tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh người già, người trẻ mang những chiếc gùi chứa đựng trái cứt chuột trên lưng hối hả nhau về bản, sau một ngày rong rả khắp nương rẫy để thu hái trái. Trên khuôn mặt mọi người, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự tươi vui, hồ hởi sau ngày lao động “ngọt”. Xen lẫn vào đó, khung cảnh những chiếc cà tăng vờn trải trước hiên nhà, được thương lái sử dụng để phơi trái cứt chuột, chuẩn bị xuất bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc.

Người dân thôn O5 phấn khởi trước giá thu mua trái cứt chuột đang ở mức cao.

Cõng bao trái cứt chuột mới thu được qua bên kia sông, anh Đinh Văn Có, 24 tuổi, ở làng O3, nở nụ cười rạng rỡ. Kể về khoảng 35kg trái trên lưng, anh cho biết: “Trái cứt chuột tập trung trên rẫy O3 cao, mình đi làm rẫy rồi thu về luôn. Sau đợt này, mình phải đợi thêm 3 tuần nữa để trái non già đi, mới thu về tiếp. Mấy năm nay có được số tiền kha khá này, mình và vợ con cũng thấy mừng. Lúc trước, mình chẳng để ý đến loài cây này, nay thấy ở Đăk Tra, O5 bán trái có lời nên bà con O3 cũng làm theo”.

Đang hì hục hốt trái cứt chuột sau một ngày phơi nắng, anh Võ Văn Tiến, 34 tuổi, người dân ở thôn bản O3, hồ hởi: “Tôi quê gốc ở thị trấn Vĩnh Thạnh, sau khi lập gia đình, rồi “ra riêng” thì về thôn bản O5 dựng nhà, sinh sống. Các năm trước, tôi cùng vợ thu mua chuối, lá chuối bỏ mối cho các thương lái dưới thị trấn. Gần hai năm nay, thu mua thêm trái cứt chuột cung cấp cho các thương lái, tăng thêm thu nhập cho gia đình và có điều kiện chăm sóc cho các con tốt hơn”.

Theo nhiều nguồn tài liệu, cây cứt chuột còn gọi là nha đảm tử, sầu đâu rừng… thuộc họ Thanh thất. Trái có dạng hình bầu dục, bằng hạt đậu xanh; vị đắng, tính hàn; thường dùng trị lỵ amip, sốt rét, trĩ, trùng roi và giun đũa. Cây cứt chuột thường mọc hoang ở vùng rừng núi. Cây nhỏ, cao khoảng 2 m. Thân mềm, có lông. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mép có răng cưa, có lông mềm ở cả hai mặt.

Hoàng Nguyên
.
.
.