"Loay hoay" đưa hàng Việt vào thị trường EU

Thứ Tư, 09/06/2010, 15:31
EU không cho phép bất cứ mặt hàng kém chất lượng nào được nhập khẩu vào thị trường nội địa. Sản phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, phải có một hệ thống tem, mã vạch… trên tất cả các mặt hàng. Đây là các quy tắc làm "đau đầu" các nhà xuất khẩu, đặc biệt là đối với các quốc gia chậm phát triển và các quốc gia đang phát triển như Việt Nam...

Với dân số 500 triệu người, châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những rào cản khắt khe về mặt kỹ thuật, đa phần các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU hiện nay đều bị áp thuế chống bán phá giá 10% và không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Những khó khăn trên không chỉ làm cho sản lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này bị sụt giảm nghiêm trọng mà còn khiến cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ rơi vào điêu đứng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, thương mại hai chiều Việt Nam - EU trong năm 2009 đạt 15,2 tỷ (giảm 7% so với năm 2008). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt gần 9,4 tỷ USD, giảm gần 13,6%. Và điều đáng nói là hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU (bị áp thuế chống bán phá giá 10% và không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)) nên đều bị sụt giảm nghiêm trọng.

Đơn cử như giày da đã bị suy giảm tới 22% so với năm 2008; cà phê cũng giảm 18%. Các nhóm hàng khác có mức tăng trưởng ở các năm trước như cao su thiên nhiên, sản phẩm nhựa, máy vi tính, đồ điện tử, hàng tạp phẩm, đồ chơi trẻ em, than đá... năm 2009 cũng đã giảm mạnh từ 20-30%.

Riêng mặt hàng thủy sản, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2010, mức tăng trưởng chỉ đạt 17% và thua xa các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc do vướng phải quy định của Hội đồng Liên minh châu Âu về khai thác thủy sản...

Xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường EU đang gặp khó do vướng phải quy định của Hội đồng Liên minh châu Âu về khai thác thủy sản. Ảnh: Trần Đức.

Tại Hội thảo "Xuất khẩu và cơ hội với thị trường EU" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, Thạc sĩ Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương cho rằng: Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU trong năm 2010 vẫn chưa có nhiều cải thiện do EU tiếp tục đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn thờ ơ tiếp cận thông tin, chậm đổi mới, thiếu chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà đối tác đặt ra.

Cũng theo ông Hải, với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng đến mức độ tối đa, EU không cho phép bất cứ mặt hàng kém chất lượng nào được nhập khẩu vào thị trường nội địa. Họ có khâu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu ngay từ nơi sản xuất và có một hệ thống báo động giữa các thành viên. Họ đưa ra các định chuẩn quốc gia, chuẩn định EU để cấm buôn bán các sản phẩm từ các nước chưa đạt mức an toàn ngang với tiêu chuẩn EU. Sản phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, phải có một hệ thống tem, mã vạch… trên tất cả các mặt hàng. Đây là các quy tắc làm "đau đầu" các nhà xuất khẩu, đặc biệt là đối với các quốc gia chậm phát triển và các quốc gia đang phát triển như Việt Nam...

Tuy nhiên, do EU được chia làm hai khối là khối những nước hạt nhân và khối nước mới gia nhập (các nước Đông Âu mới chuyển đổi) với hạ tầng kinh tế khoa học phát triển thấp hơn. Trong khi đó, các nước thuộc khối kém phát triển hơn chủ yếu là bạn hàng truyền thống với Việt Nam trước kia, họ còn một số nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam, số lượng Việt kiều ở các nước này cũng rất đông. Vì vậy, những sản phẩm chất lượng trung bình của chúng ta có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường này. Đó có thể là Nga, Bungari, Rumani, Czech… với tốc độ tăng trưởng cao, tiềm năng còn nhiều, lại chưa đưa ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa.

Để ổn định thị trường xuất khẩu, trước mắt, doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên. Song về lâu dài, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi. Trong đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm và kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu bởi với thị trường "khó tính" như EU, cạnh tranh về giá là điều dễ dẫn đến tình trạng bị kiện bán phá giá nhất - ông Đặng Hoàng Hải khẳng định

Huyền Thanh
.
.
.