Loạn thị trường rau sạch
Thực tế đó đã khiến người tiêu dùng (NTD) có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng. Nhưng, hiện trên thị trường “rau sạch” - “rau bẩn” đang lẫn lộn và gần như đang bị thả nổi...
Có nhiều loại rau quả đang bày bán trên thị trường: Rau quả thông thường, loại có chứng nhận ViệtGAP, chứng nhận GlobalGAP, rau hữu cơ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, với các loại rau được sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP, GlobalGAP thì phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt từ khâu chọn đất trồng, giống, phân bón, nước tưới... cho đến khi thu hoạch, đóng gói phân phối ra thị trường. Nếu đơn vị sản xuất tuân thủ đúng tiêu chuẩn này thì rau ViệtGAP, GlobalGAP có thể đạt được yêu cầu xuất khẩu. Còn đối với rau hữu cơ thì tiêu chuẩn trồng cao hơn nhiều. Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn rau hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải được một tổ chức có thẩm quyền quốc tế như: USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận.
Đối với các loại rau hữu cơ, do quy trình sản xuất để đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quá khắt khe và chi phí đầu tư lớn nên chỉ có vài DN trong nước sản xuất theo mô hình này. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chỉ có vài cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn như: cửa hàng tại quận 2 của Công ty Organik; cửa hàng Oganica tại quận 3, quận 7, bán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart... với giá bán cao khoảng gấp hai lần giá rau ViệtGAP và cao hơn 5-6 lần so với rau thường. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ (sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu), người bán đã gian lận bằng cách đưa các sản phẩm có tiêu chuẩn thấp hơn hoặc hàng không rõ nguồn gốc để bán với giá... rau hữu cơ.
NTD mua rau quả an toàn trong siêu thị. |
Lý giải về việc “rau hữu cơ” bán cho NTD nhưng không có logo, tiêu chuẩn chứng nhận in trên sản phẩm, người bán cho rằng: “Do chi phí để thực hiện việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quá lớn nên đa số các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chứ không thực hiện chứng nhận”. Với những yếu tố trên, mặc dù nhu cầu của NTD về rau sạch tăng cao nhưng nhìn chung sức tiêu thụ không lớn do NDT còn lo ngại chất lượng “rau sạch” trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, kênh siêu thị lại được NTD tin tưởng hơn...
Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng lớn, đồng thời cũng thực hiện chủ trương của TP triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015”, vừa qua Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã có buổi làm việc với 17 chợ loại 1 trên địa bàn TP để đưa rau VietGAP vào các chợ truyền thống. Theo chương trình, trước mắt rau VietGAP sẽ đưa vào bán thí điểm đầu tiên ở 32 sạp rau tại chợ Bến Thành.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân là khá cao, nguồn cung ứng rau sạch từ các DN, HTX cũng rất lớn, nhưng có một thực tế là NTD khó mua được rau sạch. Vì vậy, để quản lý thị trường này, người dân rất cần sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với những nơi sản xuất, kinh doanh mặt hàng rau sạch tại các chợ, cửa hàng, siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt (cung cấp rau VietGAP cho thị trường TP Hồ Chí Minh) khuyên NTD: Về nguyên tắc, rau VietGAP phải được sơ chế, đóng gói theo đúng quy trình gồm rửa, chiếu tia cực tím, làm khô ráo, phân loại, đóng gói, dán nhãn... rồi mới phân phối ra ngoài thị trường. Vì vậy, rau VietGap được bán theo gói đã đóng sẵn, NTD không nên chọn các loại rau, củ dạng xá mà người bán giới thiệu là rau VietGap