“Loạn” hàng đại hạ giá cuối năm

Thứ Sáu, 06/01/2012, 15:36
Hạ giá 60%, 70%, thậm chí là 90% cho mỗi sản phẩm. Người tiêu dùng không khỏi “sốc” khi đọc những con số ấn tượng đó. Họ lao vào cửa hàng, chọn lựa để cuối cùng, sản phẩm mang được về nhà có chất lượng kém. Cơ quan nào bảo vệ người tiêu dùng trước các thủ thuật của người kinh doanh?

Nhìn tấm biển đặt trước cửa có con số giảm giá lên tới 90%, nhiều người không ngại ngần mở cửa bước vào chọn hàng. Đây là cửa hàng thời trang duy nhất trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội có mức giảm giá sốc như vậy. 4 phụ nữ loay hoay thử áo nhưng chưa chọn được bộ nào ưng ý. Một nhóm đàn ông đẩy cửa bước vào, hỏi cô nhân viên: “Quần áo nào giảm 90% hả em?” - “Đồ gió anh ạ”.

Nói rồi cô nhân viên hướng dẫn khách tới góc bên trong cửa hàng, nơi có đống quần áo nhàu nhĩ vừa được treo lên mắc. Tò mò với mức hạ giá hiếm có ấy, chúng tôi cũng ngó nghiêng một hồi nhưng nhìn cái nào cũng thấy không đẹp. Giá bán được ghi trên áo là 495.000 đồng, giờ chỉ còn 50.000 đồng. Cũng choáng thật. Dù cửa hàng này đưa ra mức giá như vậy, nhưng nhìn tổng thể chiếc áo, chúng tôi cho rằng nó không đáng ở mức suýt soát 500.000đ/chiếc. Mấy người đàn ông đi vào rồi lại đi ra tay không.

Đi suốt dọc các con phố ở Hà Nội thời điểm này, đâu đâu cũng nhìn thấy những quảng cáo đại hạ giá hấp dẫn. Một cửa hàng trên phố Khâm Thiên, mức giá “tiền hậu bất nhất”, lúc 650.000đ/chiếc quần, khi lại bán 500.000đ/chiếc cùng loại chứng tỏ không có con số chuẩn nào cho mỗi mẫu quần áo. Người này mua hàng xong, nói chuyện với người khác mới biết mình bị mua với giá quá đắt mà đành ngậm đắng nuốt cay.

Giảm giá tới 90% - Sao không bị xử phạt?

Cùng phong trào thời trang, các “đại gia” lớn trong thị trường điện máy ở Hà Nội như siêu thị Nguyễn Kim, Pico, Mediamart… cũng đua nhau quảng cáo giảm giá, xả hàng. Nhưng mỗi nơi “xả” một kiểu và nếu không “tinh mắt” người tiêu dùng rất dễ bị quảng cáo giảm giá lớn qua mặt. Ví như một chiếc tivi LCD giảm giá hơn 3 triệu đồng, nhưng chỉ bán vào giờ “vàng” dẫn đến việc tranh cướp nhau để mua hàng, còn chất lượng, độ nét hay các thông số kỹ thuật của chiếc tivi này lại dễ dàng bị người tiêu dùng bỏ qua. Do vậy họ cứ tưởng mua được chiếc tivi rẻ, nhưng mua xong mới ngã ngửa đó là tivi lỗi mốt từ lâu.

Xả hàng để “câu khách” nhưng không đúng với quy định đang tràn ngập mà không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, vô hình trung người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị “mắc bẫy”. Theo quy định, khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50%, vậy những cửa hàng treo biển quảng cáo khuyến mại 90%, vi phạm rành rành mà sao không bị xử lý? “Khuyến mại 50% đã là không thật bởi làm gì có hàng hoá giảm giá nhiều như vậy, phải xem lại giá thật của nó. Còn khuyến mại tới 90% thì là điều khó tin, cần phải kiểm tra, xử lý ngay” - ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết.

Cuối năm là thời điểm xả hàng lớn nhất. Và đây cũng là dịp người tiêu dùng dễ bị mua hớ nếu không tinh tường. Nhưng sao những khuyến mại vi phạm vẫn xuất hiện và có đất sống? Phải chăng công tác kiểm tra, xử lý của Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường vẫn còn mang tính hình thức, bỏ lọt vi phạm?

Hà Hằng
.
.
.