Lo lắng về quản lý chất lượng và quỹ bình ổn giá xăng dầu

Thứ Bảy, 20/09/2014, 12:35
Sau khi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính thức được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 tới, ngày 19/9, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo xung quanh Nghị định (NĐ) này với rất nhiều băn khoăn, đặc biệt khi thời gian không còn nhiều, trong khi có rất nhiều quy định mới trong Nghị định cần được hướng dẫn. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu: từ đầu mối cho đến tổng đại lý, đại lý đều đang lo lắng, đặc biệt khi tháng 12 tới là thời điểm đầu mối nhập khẩu xăng dầu, và đầu năm 2015 là thời điểm các đại lý ký hợp đồng mới với các nhà phân phối.

Một thay đổi được cho là tiến bộ tại NĐ này là việc mở rộng đối tượng tham gia thị trường xăng dầu thêm thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền kinh doanh xăng dầu. Thương nhân phân phối không được nhập khẩu, nhưng có quyền mua của nhiều đầu mối và được quyền quyết định giá bán trong hệ thống của mình. Hiệp hội Xăng dầu cho rằng điều này sẽ tạo cạnh tranh về chi phí và giá.

Tuy nhiên, so với tổng đại lý chỉ được mua của một đầu mối và bán theo giá của đầu mối, thì quyền của thương nhân phân phối cao hơn, do đó, sẽ có tình trạng nhiều tổng đại lý và thương nhân xin làm thương nhân phân phối. Đây được cho là điều tốt để thị trường hóa xăng dầu. Tuy nhiên, việc quản lý mối quan hệ của các thương nhân này đang gây nhiều băn khoăn. Theo NĐ 83 quy định, thương nhân nhận quyền bán lẻ chỉ được nhận quyền của 1 đầu mối. Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu cho rằng quy định này không sát thực tế, bởi hiện có nhiều thương nhân nhận quyền bán lẻ của vài ba đầu mối.

Để có thị trường xăng dầu ổn định, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi Nghị định mới đi vào thực thi.

Việc có nhiều đối tượng tham gia thị trường xăng dầu và tháo bỏ quy định chỉ được mua hàng từ một đầu mối tuy có ưu điểm, nhưng cũng gây những quan ngại khác về chất lượng xăng dầu. Thực tế trước đây, khi hiện tượng cháy xe hàng loạt xảy ra, chất lượng xăng dầu đã được đặt lên bàn cân, và khi đó đã có nhiều tranh luận về việc không kiểm soát được chất lượng của các đại lý tư nhân.

Bởi dù khi đó các đại lý chỉ được mua của một đầu mối, thì các đầu mối cũng “khước từ” việc chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong kho của đại lý với rất nhiều lý do: việc bảo quản, đại lý có thể nhập xăng dầu trôi nổi… Cho nên việc cho đại lý mua của nhiều đầu mối sẽ làm việc quản lý chất lượng khó khăn hơn nhiều.

Câu hỏi quan trọng nhất là khi xảy ra sự cố ai là người chịu trách nhiệm. “Khi Việt Nam tiến tới hội nhập sâu hơn, nhiều thành phần tham gia thị trường hơn thì câu chuyện quản lý chất lượng và các thành phần tham gia phải rất chặt chẽ”. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các quy định mà các cơ quan quản lý sẽ soạn thảo ra.

Các đại lý kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai kinh doanh của họ, đặc biệt khi thời gian còn lại rất ngắn: chỉ có hơn 1 tháng để ra được giấy chứng nhận tổng đại lý cho các thương nhân đầu mối cũng không đơn giản. Nếu không triển khai nhanh, e rằng sang đầu năm 2015 vẫn không thể làm hợp đồng ký mới cho các tổng đại lý.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vấn đề gây tranh cãi từ thời gian vận hành NĐ 84, và đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất. Hiệp hội Xăng dầu cho rằng: khi đã để tần số dao động và thị trường hóa từng bước thì không cần Quỹ bình ổn giá, ban đầu Hiệp hội phản đối việc để quỹ này, nhưng sau khi nghiên cứu lại một số nước vẫn sử dụng quỹ này, nên lại tán đồng giữ lại.

Tuy vậy, vẫn phải đưa ra nguyên tắc trích lập, sử dụng quỹ một cách cụ thể. Việc quy định khi có biến động thì được trích thường xuyên, liên tục... sẽ rất khó khăn khi hướng dẫn thực hiện, bởi trích thường xuyên thì gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà xả liên tục thì không còn quỹ để thực hiện.

Một kiến nghị khác các đầu mối xăng dầu đề xuất là cần giữ ổn định thuế nhập khẩu, ít nhất trong 6 tháng, chứ không quy định chung chung điều hành “căn cứ vào tình hình thực tế” như hiện nay. Ông Phan Thế Ruệ cho rằng như vậy là điều hành thị trường “ổn định theo hướng bất ổn”.

Do đó, Hiệp hội Xăng dầu nêu quan điểm chỉ nên điều chỉnh tối đa 2 lần thuế nhập khẩu/năm để DN tự tính toán và cơ quan chức năng cũng dễ quản lý. Trong tương lai nếu thực hiện nghiêm túc thì xăng dầu Việt Nam sẽ có nhiều giá, ngay cả trong 1 công ty cũng có nhiều mức giá khác nhau và doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường phải bằng giá, người tiêu dùng được lợi. Tuy nhiên, để thị trường vận hành trơn tru, vấn đề vẫn là các văn bản hướng dẫn cần điểm “đúng huyệt”.

Hiệp hội Xăng dầu cũng nêu thực tế là năm 2018 – 2020, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ phải mở cửa theo cam kết. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào thăm dò thị trường để chuẩn bị đầu tư. Sẽ không khó khăn để các nhà đầu tư này với tiềm lực kinh tế mạnh và kinh nghiệm mua lại các đại lý tư nhân, chiếm lĩnh thị trường. Điều này cũng đặt ra bài toán về an ninh năng lượng, nếu như chúng ta không xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh để chống đỡ. Một điều quan trọng nữa là NĐ 83 ra đời nhưng thiếu hẳn chế tài xử lý. Sẽ là rất khó khăn để thị trường vận hành chuẩn, nếu không bổ sung các quy định này

Vũ Hân
.
.
.