Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thuế tài nguyên mỗi năm:

Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng

Thứ Ba, 11/11/2014, 08:00
Mặc dù là quốc gia có tài nguyên khoáng sản phong phú song hằng năm, số thuế tài nguyên thu được từ khai thác nội địa chỉ chiếm từ 16-17% tổng thu ngân sách. Việc thu thuế, phí dựa trên sản lượng do doanh nghiệp tự khai báo trong khi không có cơ chế giám sát đã dẫn đến những rủi ro, thất thoát lớn. Tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế đang khiến ngân sách Nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Nhà nước thất thu thuế, doanh nghiệp lợi nhuận "khủng" trong khi người dân vùng mỏ lại ngày càng nghèo đi.

Để làm rõ hơn những bất cập trong công tác quản lí tài nguyên khoáng sản, Báo CAND có chuyên đề “Thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thuế tài nguyên mỗi năm: Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng”.

Bài 1: Dân nghèo vì… khoáng sản

Trái với kì vọng, việc khai thác khoáng sản tràn lan mang lại lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp nhưng lại tồn tại một nghịch lí, nơi nào có khoáng sản, nơi đó dân càng nghèo. 

Khổ trăm đường vì… mỏ

Cao Bằng là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn nhất ở miền Bắc. Qua công tác thăm dò, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 32 mỏ, điểm mỏ với trữ lượng tổng cộng khoảng 20 triệu tấn. Ngoài ra, lượng dự trữ tài nguyên dự báo còn khoảng 24,6 triệu tấn. Tưởng rằng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú sẽ giúp kinh tế địa phương vùng cao cất cánh, cải thiện đời sống nhân dân, thế nhưng trên thực tế, người dân tại các vùng mỏ đang phải sống trong cảnh mất đất, không việc làm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khoáng sản đang khiến người dân vùng mỏ ngày càng nghèo đi.

Mỏ sắt Ngườm Cháng, xã Dân Chủ, huyện Hoà An được coi là mỏ có trữ lượng lớn nhất Cao Bằng. Mỏ được khởi công xây dựng từ 2002 và đi vào khai thác từ 2004 với tổng trữ lượng 2,8 triệu tấn. Mỏ được cấp phép cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) với công suất 177.000 tấn/năm, thời hạn 10 năm (kể từ tháng 7/2002). Trong thời gian này, mỏ Ngườm Cháng luôn khai thác vượt công suất cấp phép, thậm chí còn có ý định tận thu khi kiến nghị nâng công suất lên 370.000 tấn/năm.

Con đường dẫn từ ngã ba Nặm Thoong vào khu vực mỏ Ngườm Cháng dài khoảng 15km đã bị các xe chở quặng cày nát. Mặt đường xuất hiện vô số ổ gà, ổ voi. Khi trời mưa thì đường lầy lội, trơn trượt. Khi trời nắng thì đường bụi mù mịt. Ông Hoàng Văn Long – thôn Bó Lình, xã Dân Chủ bức xúc: “Nhà tôi cách mỏ chưa đến 200m, ngày nào mỏ cũng nổ mìn lấy quặng làm rung chuyển cả nhà. Mọi người đều sợ, trẻ con nghe thấy tiếng nổ lớn lại khóc váng lên. Chưa kể, từ khi có mỏ, người dân không còn đường đi lại, không có chỗ chăn trâu, lấy củi. Đường điện của mỏ cũng không an toàn, cách đây ít ngày điện giật chết 2 con trâu. Chúng tôi sợ lắm, không dám lại gần khu vực mỏ”. Cùng chung bức xúc, ông Triệu Viết Hàm, 82 tuổi, sống tại thôn Danh Sỹ (xã Dân Chủ) nói thêm: “Trước đây, chủ mỏ hứa sẽ cấp nước sạch cho dân vì khai thác quặng sắt làm ô nhiễm nguồn nước. Thế nhưng bây giờ họ bắt chúng tôi phải mua nước, gia đình tôi tháng nào cũng phải trả hơn trăm ngàn. Hộ gia đình nào không trả tiền sẽ bị cắt nước. Doanh nghiệp đã không hỗ trợ gì cho người dân địa phương thì cũng nên cho chúng tôi ít nước sinh hoạt, đừng bắt chúng tôi trả tiền nữa”.

Không chỉ đối mặt với ô nhiễm môi trường, người dân vùng mỏ còn đứng trước tình trạng mất đất, không việc làm, gia tăng tệ nạn xã hội. Chị Hoàng Thị Noòng, thôn Danh Sỹ nói: “Nhà tôi mất gần 3.000m2 đất cho mỏ Ngườm Cháng. Khi đó, công ty nói sẽ cho con em những gia đình mất đất vào làm việc. Thế nhưng, tôi có 5 người con mà chỉ có 1 đứa được công ty nhận vào, còn lại 4 đứa không có việc làm. Ruộng đất thì bị thu hồi phục vụ mỏ hết rồi, giờ cả gia đình tôi phải đi làm thuê, kiếm củi bán để sống qua ngày”.

Năm 2012, khi giấy phép khai thác của Tisco hết hạn, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường không gia hạn giấy phép khai thác mỏ Ngườm Cháng cho Tisco do đơn vị này chưa thực hiện cam kết với tỉnh về việc đầu tư nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Nặm Thoong đến khu vực mỏ. Ngoài ra, theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, Tisco chưa quản lí chặt chẽ mỏ dẫn đến mất an ninh trật tự và môi trường tại khu vực mỏ. Tuy nhiên, cuối cùng, không hiểu vì sao giấy phép của Tisco vẫn được Bộ Tài nguyên – Môi trường gia hạn.

Sau 10 năm, mỏ sắt Ngườm Cháng đã khai thác gần hết trữ lượng.

Địa phương chạy đua cấp phép

Để thu hút đầu tư, một thời gian dài, các địa phương chạy đua cấp phép khai thác khoáng sản. Để lách quy định, nhiều địa phương còn tiến hành chia nhỏ các mỏ để cấp phép (mỏ có quy mô lớn sẽ do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép). Theo thống kê của Bộ Tài nguyên – Môi trường, hiện nay, trên cả nước có khoảng 3.000 tổ chức, cá nhân đang hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4320 giấy phép. Trong đó, số lượng giấy phép do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp là 559. Chỉ tính riêng trong năm 2013, số lượng giấy phép do cơ quan Trung ương cấp là 48, trong khi các địa phương lên tới 477. Trong khi đó, chỉ có 9 tỉnh, thành phố ban hành 58 quyết định thu hồi giấy phép và 10 tỉnh, thành phố ban hành 42 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

 Qua thanh tra, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã phát hiện có 24 mỏ của 21 doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác, không làm thủ tục đóng cửa mỏ trong khi giấy phép đã hết hạn. Không chỉ vậy, không ít doanh nghiệp lớn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực khoáng sản cũng bị phát hiện khai thác vượt quá công suất cho phép, điển hình như Công ty TNHH Mạo Khê vượt trên 883.000 tấn, Công ty TNHH Hòn Gai vượt trên 649.000 tấn… Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Địa chất – Khoáng sản thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp khai thác vượt quá công suất quy định trong giấy phép. Song do số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều và trải rộng trên toàn quốc, kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra lại ít nên số lượng đơn vị bị thanh tra, kiểm tra hằng năm không nhiều. Điển hình như năm 2013, cả nước có 496 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực trong khi chỉ thanh tra, kiểm tra được 114 đơn vị, trong đó chỉ có 6 đơn vị thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, có nhiều trường hợp vi phạm về vượt công suất khai thác nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ mức răn đe. Qua công tác thanh tra, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác vượt quá công suất quy định của một số đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

“Tôi thấy lạ, ở đâu có khoáng sản, ở đó tỉ lệ nghèo càng cao, môi trường bị huỷ hoại, hạ tầng xuống cấp”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an):

“Khoáng sản có đến 3 bộ tham gia quản lí: Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng. Các bộ đùn đẩy cho nhau, không ai chịu trách nhiệm trước nhân dân. Thời gian tới cần thống nhất một đầu mối quản lí chung là Bộ Tài nguyên – Môi trường. Hiện nay, cơ chế chia sẻ lợi ích từ hoạt động khai khoáng cũng không hợp lí. Doanh nghiệp lợi nhuận cao trong khi người dân không được gì. Nhà nước cần phải có cơ chế phân phối lợi ích lại cho người dân thông qua việc thu thuế tài nguyên của các doanh nghiệp, tránh tình trạng càng khai thác khoáng sản, người dân địa phương càng nghèo đi”.

Hà Ly - Lưu Hiệp - Lệ Thúy
.
.
.