Liệu có thể tin SJC không thu được lợi khủng?

Thứ Hai, 15/04/2013, 16:28
Trước khi bàn giao khuôn cho NHNN, ngày thấp điểm, SJC bán ra 1-2 ngàn lượng; ngày cao điểm, SJC bán ra từ 5-6 ngàn lượng với mức chênh lệch tới một vài triệu đồng lượng, nói SJC không thu được lợi khủng, liệu có thể tin?

Ngay sau nhận định của một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, rằng, việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC; làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác…, đại diện SJC đã cho rằng, kể từ ngày 25/5/2012, khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, SJC đã bàn giao tất cả khuôn dập vàng cũ và mới cho NHNN quản lý. Việc chọn thương hiệu SJC là thương hiệu Quốc gia không giúp Công ty SJC hưởng lợi gì ngoài tiền gia công 50 ngàn đồng mỗi lượng.

Trên thực tế, theo TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia kinh tế tài chính IMF, thì ngay khi NHNN công bố dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng trình Chính phủ trước đó 6 tháng, vào tháng 11/2011 đã gây xáo trộn với thị trường vàng miếng. Chênh lệch vàng miếng các thương hiệu khác giảm chỉ còn 100 – 150 ngàn đồng lượng so với giá vàng thế giới; nhưng giá vàng miếng SJC lại có mức chênh lệch khá lớn. Cộng với tâm lý lo lắng khiến người dân đổ xô đi bán vàng miếng các hiệu khác để mua vàng SJC, càng đẩy giá SJC cao hơn giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng.

Phải chăng SJC đã gặp thời?

Tại một hội thảo về vàng được tổ chức vào tháng 10/2012, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN cũng đã thẳng thắn phát biểu, hiện tượng giá vàng trong nước tăng cao là do giới đầu cơ đang làm giá một cách trắng trợn và độc quyền. Tình trạng này khiến chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới luôn ở mức hơn 2,5 triệu đồng, thậm chí có lúc lên đến hơn 4 triệu đồng/lượng trong suốt nhiều tháng liên tục.

TS Lai cho rằng, quy định vàng miếng SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia khiến thị trường vàng trong nước xuất hiện cụm từ “vàng phi SJC”. Mọi loại vàng miếng phi SJC nếu muốn lưu thông hoặc phải biến thành đồ trang sức hoặc phải núp dưới tên SJC, bất luận tuổi vàng khác có cùng tuổi với vàng SJC. Trong khi đó, SJC chỉ là thương hiệu của một DN kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Nên thời điểm thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt rất lớn với giá thế giới như vậy, SJC cứ ung dung cấp hàng cho thị trường để hưởng lợi theo lộ trình “duy nhất hóa” vàng miếng SJC.

Trước đó, theo tính toán của ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, đến cuối năm 2011 lượng vàng miếng SJC và các thương hiệu khác lưu thông trên thị trường mới chỉ đạt khoảng 12 triệu lượng. Nhưng kể từ sau ngày SJC dự kiến được độc quyền, số lượng vàng miếng của SJC lưu thông trên thị trường tăng nhanh bất thường.

Theo con số được TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đưa ra vào thời điểm tháng 10/2012 thì lượng vàng miếng SJC đã lên đến hơn 20 triệu lượng. Đúng dịp các ngân hàng phải lo mua gom để tất toán vàng vào tháng 11/2012; cá nhân, tổ chức đã vay vàng của một số ngân hàng cũng phải lo mua gom để trả nợ.

Báo cáo tài chính của ACB cho thấy, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ngân hàng này 9 tháng đầu năm đã lỗ 1.251 tỷ đồng. Với Eximbank, lợi nhuận năm 2012 giảm đi gần một nửa so với mức hơn 4.000 tỷ của năm trước do phần lớn bị lỗ vì vàng…

Rõ ràng, trước khi bàn giao khuôn cho NHNN, ngày thấp điểm, SJC bán ra 1-2 ngàn lượng; ngày cao điểm, SJC bán ra từ 5-6 ngàn lượng với mức chênh lệch tới một vài triệu đồng lượng, nói SJC không thu được lợi khủng, liệu có thể tin?

Đ.Thắng
.
.
.