Liên tiếp xảy ra đình công tại KCN Thăng Long, Hà Nội

Thứ Tư, 11/06/2008, 09:06
Ngày 10/6, gần 400 công nhân Cty TNHH ASAHI INTECC Hà Nội, chuyên sản xuất thiết bị y tế, đóng tại KCN Thăng Long đồng loạt đình công. Đây là cuộc đình công thứ 4 liên tiếp sau các cuộc đình công của công nhân các công ty Panasonics, VICO, Nissei cùng KCN Thăng Long.

KCN Thăng Long hiện có 64 công ty với hơn 38.000 công nhân làm việc. Lãnh đạo Ban quản lý KCN Thăng Long thừa nhận chưa bao giờ KCN lại phải đối mặt với nguy cơ đình công trên diện rộng như hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Akito Shiraishi, Tổng GĐ KCN Thăng Long cho rằng, nếu như yêu cầu của các công nhân đang đình công được đáp ứng thì ngay lập tức công nhân các công ty khác cũng đình công theo. Điều đó nhiều khả năng làm phức tạp về hoạt động ở KCN. Quan điểm của Ban quản lý KCN là không đối thoại với người lao động tham gia các cuộc đình công bất hợp pháp. Nếu chủ sở hữu tiếp tục trả lời thì tình hình không biết kéo dài đến bao giờ.

Hầu hết những cuộc đình công tại KCN Thăng Long mới đây đều tự phát, không có sự tham gia của công đoàn cơ sở, gây thiệt thòi cho cả người lao động và doanh nghiệp. 64 công ty trong KCN thì có 14 công ty thuộc giai đoạn ba, vừa xây nhà máy chưa hoạt động nên chưa thành lập công đoàn, đã có 34 công ty thành lập công đoàn, còn 16 công ty không có công đoàn. Vai trò của công đoàn mờ nhạt, không tạo được niềm tin với công nhân.

Với công ty không có công đoàn cơ sở, người lao động khi muốn đình công cũng không biết phải bắt đầu như thế nào để đúng pháp luật. Đại diện công nhân Công ty ASAHI INTECC Hà Nội cho biết: Họ đã gửi kiến nghị đề nghị tăng lương cơ bản của công nhân lên 12%, tăng tiền trợ cấp đi lại, trợ cấp nhà ở từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng, tăng thưởng trong các dịp lễ tết, phụ cấp thâm niên lên Ban Giám đốc và BCH Công đoàn từ ngày 7/6.

Tuy ngày 9/6 Ban Giám đốc Công ty đã có văn bản trả lời, nhưng hầu hết các kiến nghị của công nhân đều không được chấp nhận. Đồng thời yêu cầu những nhân viên tuân thủ quyết định trên phải về vị trí làm việc của mình trong ngày 9/6.

Đối với nhân viên không tuân thủ quyết định, theo Luật Lao động Việt Nam trong 5 ngày làm việc không đến Công ty, Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với nhân viên đó vì gây thiệt hại kinh tế cho công ty.

Đến chiều 10/6, hàng ngàn công nhân thuộc 3 công ty VICO, Nissei và ASAHI INTECC vẫn tập trung trước các nhà máy đình công

T.Uyên
.
.
.