Làng tỷ phú Da – Giày

Thứ Năm, 15/07/2010, 10:40
Nằm cách trung tâm Thủ đô không xa, những năm trở lại đây, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên - Hà Nội) với "sức sốc" làng nghề da - giày truyền thống của mình đã giải quyết một lượng lớn nhu cầu lao động cũng như góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế, giảm thiểu tệ nạn xã hội ở địa phương…

Được nghe nhiều về ngôi làng Phú Yên (huyện Phú Xuyên - Hà Nội) với nghề sản xuất da - giày truyền thống, song khi tìm về nơi đây trong những ngày nắng nóng "như thiêu như đốt" đầu tháng 7, tôi có một cảm nhận thật khó tả. Bởi vừa từ trục QL1A (mới) rẽ vào ngôi làng, hình ảnh nhà nhà với những tấm biển quảng cáo có nội dung như: "Chuyên sản xuất giày dép da"; "Đại lý da cân, nguyên vật liệu giày dép da"; "Bán buôn, bán lẻ giày dép da các loại"… treo chi chít hai bên đường. Phía sau những tấm biển này là hàng trăm đôi giày, dép da các loại chất thành đống đang chực chờ để xuất xưởng.

Chứng kiến những gì đang có ở đây, tôi dám chắc một điều, không riêng mình mà ngay cả những ai chưa từng nghe kể về Phú Yên khi đặt chân tới chốn này cũng phải liên tưởng ngay tới sức sống của một làng nghề chuyên sản xuất, cung cấp giày dép da.

Ghé vào cơ sở sản xuất giày dép da bên con đường liên thôn Giẽ Thượng (Phú Yên) có tên Diên Vui, tôi được chị Nguyễn Thị Vui, 46 tuổi, chủ cơ sở cho biết, gia đình chị theo đuổi nghề sản xuất giày dép da đã ngót 10 năm. Với số lao động làm thuê lên tới 28 nhân công, bình quân mỗi ngày vào thời điểm hiện tại, cơ sở xuất ra thị trường hơn 150 đôi dép và khoảng 100 đôi giày (bình quân 150-200 ngàn đồng/đôi) các loại.

Theo chị Vui, ngoài các tỉnh phía Bắc ra, một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, TP HCM… cũng là điểm tiêu thụ sản phẩm của cơ sở. Chính vì thị trường được mở rộng, lượng khách hàng tiêu dùng sản phẩm gia tăng, thế nên năm 2006, vợ chồng chị đã "chia tay" cuộc sống cơ cực bằng việc mua đất, xây mới ngôi nhà 3 tầng khang trang nằm trên trục đường liên thôn Giẽ Thượng trị giá hàng tỷ đồng.

Một góc làng nghề Phú Yên (Phú Xuyên - Hà Nội).

Cũng như chị Vui, anh Nguyễn Việt Tiến trú tại thôn Giẽ Hạ (Phú Yên) - chủ cơ sở sản xuất giày, dép da Việt Tiến tâm sự: "Sau một thời gian học nghề, làm thuê cho một số cơ sở trên địa bàn xã, năm 2002, với sự giúp đỡ của gia đình, bè bạn, chính quyền địa phương, tôi đã thành lập cơ sở sản xuất giày dép da. Ban đầu do nguồn vốn ít, nên thị trường tiêu thụ của cơ sở chỉ rải rác ở một số huyện lân cận. Song, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, sản xuất theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài", đến nay, cơ sở của tôi cũng đã đáp ứng nhu cầu cho 20 lao động địa phương". Anh Tiến cho biết: Mỗi ngày, số giày, dép cung cấp ra thị trường (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa…) cũng đạt tới 150-200 đôi các loại. Con số này nếu vào "vụ" - tháng 9, 10, 11 sẽ tăng gấp bội.

Theo đại diện UBND xã Phú Yên, chính nhờ thương hiệu nghề sản xuất giày, dép da này mà chủ nhiều cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn xã đã trở thành tỷ phú.Theo thống kê của UBND xã Phú Yên cho thấy, hiện trên địa bàn xã có khoảng 140 hộ gia đình tham gia hoạt động sản xuất da giày. Hằng năm, số cơ sở sản xuất này thu hút hơn 1.200 lao động. Thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng là hai nơi tập trung đông các hộ hoạt động sản xuất hơn cả.

Sản xuất giày - dép da tại một cơ sở ở làng nghề Phú Yên.

Bác Lương Xuân Chúng - Chủ tịch Hội da - giày xã Phú Yên cho biết: Nghề sản xuất da - giày ở Phú Yên đã manh nha xuất hiện từ năm 1918. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thị trường, đến năm 1993, làng nghề sản xuất da - giày Phú Yên chính thức khôi phục. Nhiều cơ sở sản xuất theo đó mọc lên. Các "nghệ nhân" sau một thời gian đi "tầm sư học đạo", mở cửa hàng kinh doanh ở một số tỉnh, thành trong cả nước đã trở về "đầu tư" tay nghề cho làng của mình.

Cũng theo bác Lương Xuân Chúng, nghề da - giày của nhân dân xã Phú Yên là một nghề truyền thống lâu đời, hiện nay tổng thu nhập của nghề chiếm 65% tổng thu nhập toàn xã, có trên 60% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh da giày. Năng suất sản xuất hàng năm tăng từ 10-12%.

Chỉ tính riêng năm 2009, số giày - dép mà xã Phú Yên xuất ra thị trường lên tới hơn 4 triệu đôi. Mặt khác, vì là sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá thành rẻ chỉ khoảng 150-200 ngàn đồng/đôi nên thị trường tiêu thụ của làng nghề da - giày Phú Yên trải rộng trên địa bàn các tỉnh Bắc - Trung - Nam. Thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực này cũng đạt trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. "Nhờ có ngành nghề truyền thống này mà những năm qua, trên địa bàn, tệ nạn xã hội hệ lụy từ việc nguồn lao động nông nhàn đã không diễn biến phức tạp…" - bác Lương Xuân Chúng cho biết thêm

Trần Huy
.
.
.