Lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản: Ai chịu trách nhiệm?

Chủ Nhật, 18/12/2005, 08:02

Trong vòng 2 năm, Thanh tra chuyên ngành xây dựng tổ chức thanh tra 31 dự án (tổng số vốn 17.300 tỉ đồng) thì cả 31 dự án đều có sai phạm với số tiền thất thoát, lãng phí lên tới 2.070 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê của Đoàn Giám sát Quốc hội, trong số 1.505 dự án được kiểm tra có 176 dự án vi phạm quy định về thẩm định dự án; 198 dự án công trình vi phạm quy chế đấu thầu; 802 dự án, công trình thi công sai thiết kế, sai chủng loại vật tư, thiết bị, không phê duyệt khối lượng phát sinh, vi phạm các quy định về trình tự thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng, về chất lượng nghiệm thu, thanh toán công trình; 415 dự án, công trình vi phạm về thiết kế, khảo sát; 720 dự án, công trình vi phạm quy định trong giai đoạn đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Lãng phí ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư có thể nhìn thấy dễ dàng ở công tác quy hoạch. Có hàng loạt minh chứng cho điều này, như việc bố trí nhiều bến cảng ở các vùng, địa phương quá gần nhau mà chưa tính đến  sự liên kết trong việc khai thác có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật hiện có, chưa phù hợp với khả năng phát triển kinh tế.

Cảng Hòn La (Quảng Bình) cách cảng Vũng Áng 25 km, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) cách cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) 30 km, cảng Dung Quất cách cảng Kỳ Hà 10 km. Hay như dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Tân Kỳ - Tân Quý, theo kết luận của Thanh tra Nhà nước, do không gắn việc xây dựng dự án với quy hoạch giao thông nên khi dự án xây dựng xong phải phá bỏ toàn bộ hệ thống gồm 216 hầm thu hố ga và 711 cống phi 400, số tiền lãng phí chiếm 3% tổng mức đầu tư của công trình.

Hay như đầu tư dự án không tính đến nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất tương ứng với quy mô của nhà máy dẫn đến thiếu nguyên vật liệu như công trình xây dựng Nhà máy đường Linh Cảm, Hà Tĩnh, Nhà máy sản xuất bột giấy Kon Tum... Chương trình xây dựng 44 nhà máy mía đường có tổng vốn xây dựng là 10.050 tỉ đồng nhưng có tới 25 nhà máy thua lỗ, phát sinh dư nợ trên 6 nghìn tỉ đồng.

Lãng phí trong khâu quyết định đầu tư thường bắt nguồn từ việc xác định mục tiêu đầu tư dự án do không được chủ đầu tư cân nhắc, tính toán trước khi xây dựng nên khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chủ đầu tư mới nhận thấy công trình không phát huy hiệu quả. Ví dụ: tại một số địa phương đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải thiện  và xây mới một loạt chợ như chợ đầu mối Đền Lừ với số vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng, chợ đầu mối Xuân Đỉnh, chợ xe máy Quảng An (Tây Hồ) đầu tư hơn 6 tỉ đồng, chợ đầu mối Hải Bối (Đông Anh) đầu tư 13 tỉ đồng...

Ở giai đoạn thực hiện đầu tư, lãng phí thất thoát chủ yếu ở các khâu khảo sát, thiết kế, trong sử dụng và bố trí vốn, trong kéo dài thời gian xây dựng, quyết toán công trình. Tại dự án khôi phục và cải tạo quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn do khảo sát không đảm bảo chất lượng nên phải khảo sát lại làm tăng chi phí khảo sát hàng tỉ đồng. Dự án Nhà máy ximăng Tam Điệp trong quá trình khảo sát đã phát hiện có sự cố nhưng không khảo sát và xử lý hiện tượng caster gây tốn kém chi phí.

Việc khảo sát lại làm tăng chi phí còn xảy ra đối với nhiều dự án khác như dự án cầu Non Nước (Ninh Bình), cầu Tân Đệ (Thái Bình)... Dự án xây dựng quốc lộ 5 sử dụng vốn JBIC Nhật Bản do bàn giao mặt bằng chậm nên Nhà nước đã phải bồi thường cho nhà thầu 570.595.797 yên Nhật.

Tiến độ xây dựng công trình chậm diễn ra phổ biến ở rất nhiều dự án. Theo Thanh tra Nhà nước thì có tới một nửa các dự án Thanh tra kiểm tra bị chậm tiến độ. Dự án tuyến ống kho cảng LPG Thị Vải do kéo dài thời gian thêm 24 tháng làm lãng phí nhiều tỉ đồng. Dự án Bazan siêu mảnh thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam do kéo dài thời gian làm phát sinh chi phí hơn 7 tỉ đồng.

Nói về mức độ lãng phí trong xây dựng cơ bản, ông Mai Anh Thông - Viện KSND tối cao - đã đưa ra một con số thống kê xót xa: qua thanh tra 14 dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng đã phát hiện sai phạm về thất thoát lãng phí vốn trên 1.200 tỉ đồng.--PageBreak--

Từ năm 2001 đến nay, trong các vụ án  đã xét xử liên quan đến lĩnh vực xây dựng, tổng số tiền bị chiếm đoạt thông qua các hành vi tham ô, lừa đảo, lợi dụng chức vụ quyền hạn là trên 100 tỉ đồng, một con số được coi là đáng kể so với thu nhập bình quân tính theo đầu người ở nước ta hiện nay.

Tình hình tham nhũng trong xây dựng cơ bản nghiêm trọng là vậy nhưng trong quá trình điều tra loại án này, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Cơ quan Điều tra, gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Đức Long cho biết, đề chứng minh hành vi tham nhũng ở khâu chạy dự án là rất khó khăn vì việc hối lộ thường đơn phương, không có nhân chứng, không có biên nhận, không để lại dấu vết. Hay trong khâu thiết kế thi công, các gian lận tiêu cực thường có sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị thiết kế - chủ đầu tư - đơn vị thi công - tư vấn giám sát tạo ra một chu trình khép kín, khó để lại dấu vết làm cơ sở cho công tác đấu tranh, chứng minh tội phạm tiêu cực.

Thượng tá Nguyễn Trọng Long - Trưởng phòng 6 Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C-15)  lại nêu ra một khó khăn nữa trong công tác điều tra mà vụ án tham nhũng xảy ra tại công trình tu bổ và tôn tạo Nhà hát Lớn Hà Nội là một ví dụ.

Công trình này có tổng mức đầu tư được duyệt là 156 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách 100%. Công trình gồm 34 hạng mục xây lắp và 14 hạng mục lắp đặt thiết bị. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Điều tra đã lập chuyên án và chọn ra 4 hạng mục điều tra, xác minh. Kết quả cả 4 hạng mục này đều có dấu hiệu vi phạm. Nhưng cho đến nay công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm  mà vẫn chưa quyết toán có nghĩa là chưa xác định được mức độ thiệt hại nên vẫn chưa có cơ sở để xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Thượng tá Nguyễn Trọng Long đặt câu hỏi: "Tại sao lại phải chờ quyết toán mới xác định được thiệt hại?”, và ông cho rằng: "Chính cái ràng buộc đó đã làm nản lòng nhiều trinh sát, điều tra viên khi tiếp cận vụ việc tham nhũng trong xây dựng cơ bản, cũng có nghĩa là sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm trong lĩnh vực này”

.
.
.