Làng gốm đỏ ở Vĩnh Long vất vả tìm lối ra

Thứ Ba, 23/11/2010, 16:35
Từ hơn chục năm nay, sản phẩm gốm đỏ mỹ nghệ của Vĩnh Long đã được thị trường thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và châu Mỹ biết đến, ưa chuộng. Khi chuyển từ nghề sản xuất gạch ngói có từ trước đó cả thế kỷ sang nghề sản xuất gốm đỏ mỹ nghệ xuất khẩu từ cách nay khoảng 20 năm, dân làng nghề tưởng cái khó đã dần buông tha họ, nhưng sự tồn vong của làng nghề nằm cặp sông Cổ Chiên không đơn giản.

Đâu rồi không khí làng gốm đỏ nổi tiếng một thời

Hội nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long được thành lập từ tháng 7/2002 theo sự gợi ý của bác Sáu Dân - tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vào thời điểm hưng thịnh nhất của Hội, có trên 50 doanh nghiệp là hội viên với số miệng lò nung trên 600 lò, công nhân trên 10.000 người, diện tích nhà xưởng từ 320.000-350.000m2, nguồn vốn trên 200 tỷ đồng nên có khả năng sản xuất trên 300 container/tháng.

Với quy mô đó, gốm mỹ nghệ của làng nghề đã đi khắp thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Mỗi năm làng gốm cung ứng cho xuất khẩu 50 - 60 triệu sản phẩm gốm đỏ, thu về khoảng 30 - 50 triệu USD.

Chỉ cách nay chừng 4 năm thôi, khi đến làng gốm mỹ nghệ xuất khẩu, ai cũng nhận ra không khí lao động tất bật, khẩn trương của làng nghề, nhất là vào thời điểm cuối năm, ngày cũng như đêm. Người ta sẽ thích mắt khi nhìn cách bày trí khá độc đáo, lạ mắt của các chủ lò. Có chủ lò thành công và được nhiều đối tác biết đến bởi nhiều sản phẩm không "đụng hàng" như gốm giả gỗ, giả đồng, gốm sơn mài, bộ tranh gốm "thiếu nữ Bắc - Trung - Nam".

Chủ lò còn "gốm hóa", tái tạo những kiến trúc nhà ở nông thôn theo kiểu cổ, cổng tam quan, kiến trúc cung đình,… phục vụ cho các công trình kiến trúc tại các khu du lịch, resort...

Tên tuổi của những người tiên phong trong việc đưa nghề gạch ngói tiến lên thành nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu trên vùng đất này như Ba Nghĩa, Ba Kiên, Sáu Bạch, Năm Vàng, Tư Thạch,... được nhắc đến như lời tri ân. Ngôi nhà của Hội nghề gốm (gần như được làm hoàn toàn bằng sản phẩm gốm đỏ) lúc đó giống như một điểm dừng chân của du khách.

Còn bây giờ, tôi đến làng gốm đỏ xuất khẩu nổi tiếng của cả nước, chẳng thể ngờ được. Làng gốm rơi vào cảnh đìu hiu như chợ chiều. Trên Tỉnh lộ 902, khi đi ngang qua nhiều lò gốm thuộc địa phận huyện Long Hồ, tôi thấy chỉ lèo tèo vài công nhân.

Né những ổ voi trên Tỉnh lộ này và chạy thêm một đoạn khá xa, tôi mới thấy một xe tải nhỏ đang "ăn hàng" là những cái chậu khá xinh xắn. Tôi hỏi thử giá, người khuân vác nói: "Hồi trước, loại chậu với kích cỡ này giá hơn 100.000 đồng/chiếc nhưng nay chỉ còn chưa tới một nửa. Sản phẩm thú, tượng, đôn với đủ kích cỡ cũng được bán với giá bèo".

“Nước mắt” chủ lò

Ông Hồ Văn Vàng (Năm Vàng) - Chủ tịch Hội nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long thở dài kể sau cái thời hưng thịnh tới nay, số lượng hội viên không tăng thêm được bao nhiêu. Trong khi đó, hiện chỉ còn 27 hội viên hoạt động thường xuyên; số hội viên còn lại thì hoạt động cầm chừng hoặc có xu hướng chuyển sang hoạt động sản xuất khác.

Đi tìm hiểu thêm về nguyên nhân, hầu hết các chủ lò gốm đều than đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Sản phẩm "không đụng hàng" nhưng sao bỗng dưng bị rớt giá? Một chủ lò (đề nghị không nêu tên) thú thật với tôi: "Do không còn cách nào khác để tồn tại, nên rất nhiều chủ lò quy mô nhỏ như của tôi đã phải hạ giá bán sản phẩm để cạnh tranh đơn hàng. Vậy là xảy ra chuyện tự giết nhau trên sân nhà; các trung gian thấy vậy cứ ép giá xuống".

Tuy nhiên, theo ông Năm Vàng và nhiều chủ lò, nguyên nhân lớn nhất khiến làng gốm rơi vào cảnh "chợ chiều" vẫn là do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các đối tác lần lượt rút lui.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, 3 quý của năm 2010 trôi qua nhưng sức mua mặt hàng gốm chưa có gì xán lạn; số lượng sản phẩm bán ra của làng gốm chỉ đạt trên 2 triệu (trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm bán ra của cả làng gốm là trên 9 triệu sản phẩm).

Không như mọi năm, dù đã sắp hết năm nhưng làng gốm vẫn chưa có hợp đồng lớn. Chủ lò T.T. từng có đến 80 miệng lò, hơn 1.200 công nhân, trước đây liên tục "trúng" các hợp đồng xuất khẩu lên tới vài ba triệu USD. Tuy nhiên, năm nay, tới thời điểm này, chủ lò này chưa tìm ký được hợp đồng nào đáng kể. 

Ông Năm Vàng cho biết thêm, đối với đầu vào, các chủ lò gốm cũng gặp khó về nguyên liệu đất sét, giá cũng tăng nhiều. Nhiên liệu trấu vào vụ mùa thu hoạch có giảm nhưng qua vụ rồi lại tăng vùn vụt. Lao động có trình độ chuyên môn, có tay nghề vẫn thiếu rất nhiều (chưa đạt 50% yêu cầu của các chủ lò); lao động phổ thông cũng không ổn định, đa số thích đi lao động trong khu công nghiệp hoặc đi lao động nước ngoài.

Các chủ lò tại làng nghề đang "khát vốn" nghiêm trọng. Khi gặp phải quy định vay với mức lãi suất thỏa thuận có khi lên tới 18%/năm, nhiều chủ lò cho biết đã vượt quá giới hạn chịu đựng của họ…Do vướng hầu hết những khó khăn vừa kể nên có nhiều chủ lò gặp đối tác muốn ký hợp đồng lớn vẫn không dám đặt bút ký hợp đồng.

Một lãnh đạo Sở Công nghiệp Vĩnh Long phân tích thêm, đa phần các chủ cơ sở sản xuất gốm xuất thân từ nông dân, trình độ hạn chế nên ngại đi xa, ngại tiếp xúc trong khi sản phẩm do họ làm ra lại chủ yếu xuất khẩu. Ngoài vài ba doanh nghiệp lớn trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, thì việc tiêu thụ sản phẩm của làng gốm chủ yếu thông qua đầu mối trung gian nên sản phẩm luôn bị ép giá.

Ông Năm Vàng kể thêm: "Cái khó của nghề này là chỉ sản xuất theo yêu cầu của đối tác, khách hàng. Họ đặt kiểu gì thì mình làm kiểu nấy nên mình không chủ động được sản xuất, không phát huy được tính sáng tạo trong thiết kế mẫu mã; không có nghiên cứu thị trường nên khi khách hàng nói ra thì mới biết họ cần gì"

Thái Bình
.
.
.