Lần theo “bến đỗ” của cổ vật bị đánh cắp

Thứ Tư, 20/05/2009, 15:36
Chỉ sau một đêm, pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay có niên đại 300 năm hay những cổ vật quý giá như lư hương, tượng phật bằng đồng, đỉnh đồng, nến… đã không cánh mà bay. Mất cắp cổ vật ở một số di tích đã trở thành vấn đề nóng.
>> Trộm cổ vật trị giá hơn 100 triệu, chỉ lĩnh 1 năm tù

Đường dây nóng Báo CAND mấy ngày nay liên tục nhận được điện thoại của người dân thôn Chè, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh phản ánh việc pho tượng phật nghìn mắt nghìn tay có niên đại 300 năm ở chùa Chè bỗng dưng biến mất. Nằm trong quần thể di tích lịch sử của huyện Tiên Du gồm chùa Phật Tích, chùa Việt Đoàn, Long Khám, chùa Chè là biểu tượng của tâm linh văn hoá và tín ngưỡng của người dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Khi pho tượng nghìn mắt nghìn tay bị đánh cắp, dư luận đã rất bức xúc và lo lắng cho số phận của pho tượng này không biết đang chìm nổi ở đâu. Theo đồng chí Nguyễn Đăng Miêng, Trưởng Công an huyện Tiên Du thì Công an huyện đang ráo riết điều tra truy tìm thủ phạm.

Đối tượng trộm cắp thường hoạt động theo băng nhóm, giả danh khách đến vãn cảnh chùa, xác định những cổ vật có giá trị để lên kế hoạch trộm cắp. Chúng thường chọn ban đêm để đột nhập và lấy trộm cổ vật chuyển ra cho đối tượng đợi sẵn bên ngoài. Biết là bán cổ vật tại địa phương sẽ bị bại lộ, bằng thời gian ngắn nhất, chúng đưa cổ vật ra tỉnh ngoài tiêu thụ.

Tượng phật, lư hương, đài nến... bằng đồng ở một số di tích dễ bị kẻ gian trộm cắp nếu không được trông giữ cẩn trọng. Ảnh: PV.

Vụ trộm cắp cổ vật ở những khu di tích lịch sử quốc gia, có niên đại gần 200 năm xảy ra ở Hưng Yên đã cho thấy, các đối tượng ngày một táo tợn và manh động. Những đồ cổ có giá trị, nhóm trộm cắp đem bán cho dân buôn đồ cổ ở Bắc Ninh, số còn lại bán cho người thu mua sắt vụn.

Điều đáng buồn là nhiều vụ trộm cắp không thu hồi được tang vật do qua tay nhiều dân buôn đồ cổ, lưu lạc ở nhiều nơi, thậm chí từ Bắc vào Nam hoặc đưa sang nước ngoài trái phép.

Hà Nội là một trong những địa bàn có số lượng di tích lớn nhất cả nước hiện nay, việc chảy máu cổ vật cũng là vấn đề nóng cần được quan tâm nhiều hơn. Chỉ chưa đầy 2 tháng, trên địa bàn thị xã Sơn Tây xảy ra 18 vụ kẻ gian trộm cắp đồ thờ cúng trong các đình, chùa, miếu mạo khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Qua thống kê có 13 đình, chùa, miếu trên địa bàn của 9 xã, phường bị mất trộm 8 quả chuông đồng, 9 đỉnh đồng, 4 đài nến đồng, 2 cây nến đồng.

Sau đó ít lâu, người ta thấy số cổ vật này xuất hiện ở một điểm buôn bán cổ vật tại Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ.

Chỉ sau khi Công an thị xã Sơn Tây bắt 3 đối tượng đã gây ra các vụ trộm cắp cổ vật trên, mọi người mới vỡ lẽ, chúng không phải là dân chuyên nghiệp trộm cắp cổ vật, nhưng lại nghiện ma tuý, có nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, lại là người địa phương nhưng hết sức liều lĩnh và táo tợn.

Ngay như việc rao bán cổ vật ở nhà ông L.V.B. ở đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng gây xôn xao dư luận. Được Công an vận động, ông B. đã giao nộp lại bộ đỉnh đồng cổ, có niên đại từ đầu thế kỷ XX, tang vật của vụ trộm tại đình Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Chiếc đỉnh đồng này bị kẻ gian lấy trộm, bán lại cho người chuyên thu mua đồ cổ ở quận Long Biên, sau đó qua tay nhiều người và cuối cùng đến tay ông B. thì bị phát hiện.

Việc trộm cổ vật ở các di tích đã diễn ra từ nhiều năm nay. Theo thống kê của ngành Văn hóa và Công an, từ năm 2000 đến năm 2008, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra hơn 300 vụ đột nhập, trộm cắp cổ vật với hơn 1.000 cổ vật bị đánh cắp.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, nhiều vụ trộm cổ vật đã được lực lượng Công an truy tìm và thu hồi, trả lại cho di tích như vụ trộm cắp ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); đền Bạch Mã, chùa Quỳnh Lôi (Hà Nội); đền Hữu Vĩnh (Hà Nam); di tích Cồn Tiên Dốc Miếu (Quảng Trị); đền Thất Sơn (An Giang)…

Cổ vật trộm cắp ở các di tích được buôn bán bất hợp pháp ở trong nước và cả xuất lậu trái phép ra nước ngoài. Trong một số vụ xuất lậu đi nước ngoài bị Công an và Hải quan bắt giữ, cơ quan chức năng phát hiện những cổ vật có nguồn gốc xuất xứ từ các ngôi chùa, đền, miếu.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, để ngăn chặn việc trộm cắp các cổ vật tại các đình, chùa… cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng là ngành Văn hoá, Công an và đặc biệt là ngành Hải quan, lực lượng có thể ngăn chặn kịp thời việc cổ vật "chảy máu" ra nước ngoài

T.Hằng - N.Hương
.
.
.