Làm gì để nông dân trực tiếp hưởng lợi từ xuất khẩu lúa gạo?

Thứ Sáu, 24/10/2014, 11:11
Việt Nam xuất khẩu gạo giá rẻ đang được coi là việc “trợ cấp” cho người tiêu dùng nước ngoài. Trong khi đó nông dân trồng lúa vẫn chưa được hưởng lợi trực tiếp trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo hiện nay. Đây là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo  “Kết quả nghiên cứu ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ tại Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu “cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp vừa công bố, do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách Nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đang xuất khẩu với giá thấp. TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp cho rằng, thực tế này đang làm xuất hiện “một thực tế phũ phàng là người đóng thuế Việt Nam thực chất đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với gạo Việt Nam”.

Trong khi đó, theo GS Võ Tòng Xuân, hiện nay, mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, còn người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Vì vậy, cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện của mình.

Trên thị trường xuất khẩu gạo hiện nay vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.

Thực tế khảo sát của Liên minh Nông nghiệp cho thấy, “mắt xích quyết định hầu như toàn bộ các vấn đề của ngành lúa gạo hiện nay là thị trường xuất khẩu – đầu ra cuối cùng có ảnh hướng rất lớn tới định hướng sản phẩm lúa gạo của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả như sự khai thác đất tối đa phục vụ tăng sản lượng (3 vụ lúa), thiếu chọn lọc về giống và chất lượng,… đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện để người nông dân được hưởng lợi từ xuất khẩu gạo, nhóm nghiên cứu đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá xuất khẩu để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của nông dân. Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá, thay vì chỉ tập trung tăng sản lượng, mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khác như bãi bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào; định hướng lại hoạt động của các tổng công ty lương thực để giúp chính sách với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả…

Phan Đức
.
.
.