Làm gì để Hải Phòng không thành “nơi nhập rác”?

Thứ Bảy, 11/09/2010, 11:14
Cách đây 5 năm, khi rộ lên đợt sóng nhập khẩu rác dạng phế liệu vào cảng Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành tìm mọi biện pháp ngăn chặn. Nhưng với những gì đang diễn ra, có thể nói sự chỉ đạo chưa được chấp hành nghiêm.

Khó nhận diện những ông chủ "rác"

Những thông tin về rác nhập khẩu vào cảng khu vực Hải Phòng liên tục xuất hiện trên báo chí luôn làm các vị lãnh đạo thành phố, ngành chức năng bức xúc. Mới đây nhất, thành phố đã phải thành lập một tổ công tác liên ngành do Phòng PC36 làm thường trực để tổ chức đấu tranh ngăn chặn, xử lý chuyện này.

Theo Phòng PC36, quá trình điều tra, thống kê phân tích cho thấy, đầu mối nhập khẩu "rác" dưới dạng tạm nhập tái xuất không chỉ ở thành phố mà còn là các doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại Móng Cái, Hạ Long, trong đó, có những "tên tuổi" doanh nghiệp luôn gắn liền với các vụ nhập lậu "rác" bị phát hiện.

Công ty CP Thương mại XNK Quế Thành, địa chỉ 82B, đường Hùng Vương, Móng Cái, Quảng Ninh là dẫn chứng điển hình. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty này đã đứng tên chủ hàng gồm trăm container "rác ngoại", ngụy trang khai báo bằng các loại hàng hóa. Và lần nào cũng vậy, nếu bị phát hiện là công ty làm ngay động tác rất cũ: Từ chối nhận hàng, bằng các lý do không cần nói cũng biết: "Gửi nhầm hàng", "nhầm địa chỉ". Cứ như "rác" từ trên trời rơi xuống, từ biển trôi dạt vào.

Riêng ở Hải Phòng, vào thời còn cho phép nhập khẩu phế liệu về tái chế chỉ lác đác vài doanh nghiệp tham gia. Nhưng càng về sau, khi có nguồn tin khách hàng Trung Quốc trả chi phí dịch vụ ủy thác khá hấp dẫn, khoảng 300-500USD/container, trong khi chẳng mất tí vốn liếng nào, lại được bao thầu việc vận chuyển đường bộ từ Hải Phòng ra Móng Cái và nếu có bị Hải quan, Công an phát hiện ra "rác" thì cũng chẳng ảnh hưởng gì, chỉ cần tuân thủ một nguyên tắt đã quá cũ: "Không biết". Đây chính là sức hấp dẫn khiến rất nhiều doanh nghiệp rủ nhau đi nhập... "rác".

Tính tại thời điểm này, tại Hải Phòng ít nhất cũng có 40 doanh nghiệp có "chuyên ngành" nhập khẩu phế liệu. Không vốn, không trách nhiệm, không ý thức về bảo vệ môi trường và cũng không làm gì được họ, dù lô hàng bị phát hiện.Và ngay tại thời điểm này, tại cảng Hải Phòng vẫn đang tồn trữ trên 300 container "rác ngoại" nhưng vẫn chưa thể biết chúng thuộc về ai.

 

Kiểm tra lô "rác" nhập khẩu vào cảng Hải Phòng.

Càng khó xử lý sai phạm, càng phải kiên quyết

Lật lại hồ sơ các vụ nhập "rác", chúng chỉ khác nhau về tên các đối tượng, ngày, giờ. Nhưng rất giống nhau về thuộc tính. Chẳng hạn, nguồn vào của "rác” thường là từ các thương nhân, cư trú ở nước ngoài, đã ký hợp đồng thu gom tiêu huỷ phế liệu, phế thải của các nhà máy của nước đó, nhưng tìm cách bán lại cho các thương nhân Trung Quốc để tăng nguồn thu.

Họ đã thông tin qua hộp thư điện tử, website hoặc qua môi giới, để tìm đối tác ở Việt Nam làm dịch vụ tạm nhập, tái xuất. Sau đó, họ lập công ty "ma", khai man địa chỉ, ký hợp đồng đối phó với thủ tục hải quan, vận tải biển là có thể dễ dàng chuyển "rác" về Việt Nam qua hệ thống cảng biển, trong đó, cảng Hải Phòng được các đối tượng lựa chọn "ưu tiên" số một do rất gần với Trung Quốc, có nhiều kho bãi chuyên nhận hàng chứa trong container.

Nhưng, cái khó nhất ở đây là không thể truy nguyên nguồn gốc của các doanh nghiệp "ma" ngoại ấy. Thực tế, đã không ít lần Hải quan Hải Phòng trưng cầu sự giúp đỡ của lực lượng quốc tế, song tên tuổi của các doanh nghiệp "ma" hoặc không có trong cơ sở dữ liệu, hoặc thuộc đối tượng nằm ngoài phạm vi quản lý. Đó là lý do khiến suốt thời gian qua, Hải quan, Công an Hải Phòng chỉ bắt được hàng, nhưng không thể "sờ gáy" được đối tượng.

Gần đây nhất, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các lô hàng có chủ sẽ kiên quyết buộc doanh nghiệp tái xuất khỏi Việt Nam.

Đối với các lô hàng không xác định được chủ, thành phố sẽ tổ chức tiêu huỷ theo quy định. Song tái xuất hay tiêu hủy hay phạt nặng không phải là những việc dễ làm. Hải quan cho rằng, trước mắt, để tiêu huỷ lượng rác thải khổng lồ trên 300 container "vô chủ" đang chất đầy các bãi cảng sẽ tiêu tốn một khoản tiền lớn, nếu không trích từ ngân sách thì chẳng thể lấy từ nguồn nào. Thứ hai, kể cả có kinh phí tiêu hủy thì cũng cần xác định rõ tính chất độc hại của từng loại rác, nếu không, việc hủy rác có thể gây hại cho môi trường thành phố.

Còn theo đề xuất của Phòng PC36-CAHP, muốn ngăn chặn "làn sóng" nhập rác, trước hết trong điều hành cơ chế XNK theo từng giai đoạn, Nhà nước cần xây dựng danh mục cụ thể các chất không được lẫn trong các lô hàng phế liệu để doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng làm căn cứ thực hiện, trong đó định lượng rõ mức độ cho phép tạp chất có lẫn là bao nhiêu, như thế nào là sạch, thế nào là bẩn, là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các địa phương để điều tra, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu phế liệu dưới mọi hình thức, để ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu phế liệu nguy hại, rác công nghiệp vào Việt Nam

Lê Minh Triết
.
.
.