Lạm dụng quảng cáo để "thổi phùng" tác dụng của thuốc

Thứ Bảy, 28/02/2009, 10:56

"Không phải thuốc nhưng có thể phòng và "cải thiện" được rất nhiều bệnh", chỉ là "cao" nhưng có thể tạo nên "những điều kỳ diệu trong cuộc sống"... Đó chỉ là 2 trong số vô vàn quảng cáo hấp dẫn cho sản phẩm dạng thuốc hiện nay.

Việc quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm chức năng đang bị một số doanh nghiệp lạm dụng, thậm chí là quảng cáo trá hình dưới nhiều dạng khác nhau để thổi phồng tác dụng.

Những sản phẩm "thần kỳ"

"Tôi 19 tuổi! Cách đây 40 năm bây giờ tôi mới chỉ 20 tuổi! Bởi vì tôi uống nước Hydro". Đó là quảng cáo đặc biệt hấp dẫn cho thỏi H-01 giàu Hydro "để được sống lâu hơn và trẻ hơn". Vào website quảng cáo loại sản phẩm này bằng tiếng Việt, người xem có thể bị choáng ngợp bởi các ngôn từ đặc biệt về tác dụng của nó.

Ngay sau khi có thông tin về việc quảng cáo trên, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Cục VSATTP) (Bộ Y tế) đã kiểm tra và yêu cầu đình chỉ ngay việc giới thiệu sản phẩm H-01 vì nội dung quảng cáo khác xa về công dụng của sản phẩm so với nội dung đã công bố tại Cục VSATTP.

Ngay sau khi bị Cục VSATTP nhắc nhở, ngày 27/2, khi chúng tôi quay trở lại trang web quảng cáo sản phẩm này đã nhận thấy Công ty Matexim Thăng Long thay đổi giao diện giới thiệu sản phẩm bằng một thông báo: "Như anh/chị có thể đã biết chúng tôi đang vướng mắc về vấn đề nội dung quảng cáo chưa được Hội đồng Khoa học và cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm nghiệm, thẩm định và cấp phép về các kết quả nghiên cứu từ phía Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi đang tạm dừng việc quảng cáo theo catalog của nhà sản xuất Nhật Bản về sản phẩm theo cam kết với Cục VSATTP".

Kiểu quảng cáo cho sản phẩm nêu trên cũng giống như quảng cáo truyền miệng của các doanh nghiệp áp dụng hình thức kinh doanh đa cấp. Người quảng cáo sẵn sàng thổi phồng tác dụng của sản phẩm chỉ nhằm mục đích trục lợi, bán được nhiều sản phẩm để hưởng hoa hồng. Nếu người sử dụng quá tin vào quảng cáo đó thì sẽ để lại hậu quả khó lường. 

Trên một số tờ báo hiện vẫn xuất hiện những bài quảng cáo cho sản phẩm như một loại thuốc thần kỳ. Bài quảng cáo loại sản phẩm cao động vật "có tác dụng bổ dưỡng, giúp hỗ trợ giảm thiểu các bệnh về xương khớp" đăng trên một tờ báo gần đây cũng dùng từ đại ngôn khiến cho người đọc tin rằng đó là thứ thuốc "thần kỳ". Cụ thể như: "Uống... cụ ông 85 tuổi đạp xe 70km về thăm quê không thấy mệt"... Kèm theo giới thiệu là sự cảm ơn hết lời cho sản phẩm và bên dưới là địa chỉ bán sản phẩm.

Thực tế những bài quảng cáo trá hình dưới dạng thư cảm ơn của bệnh nhân bản chất là quảng cáo cho loại thực phẩm có tác dụng như thuốc, thậm chí là quảng cáo thuốc. Hiện hình thức quảng cáo dưới dạng thư cảm ơn đang được cơ quan chuyên môn đưa vào danh mục cấm trong Dự thảo quy chế quảng cáo thuốc. Một hình thức khác vốn bị cấm nhưng vẫn xuất hiện trên trang quảng cáo của một số báo gần đây là lấy danh nghĩa thầy thuốc giới thiệu cho một loại sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế.

Quảng cáo "bẫy" người sử dụng là vi phạm

Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT ngày 12/1/2004 của Bộ Văn hoá thông tin (cũ) và Bộ Y tế Hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế quy định: "Các cơ sở y tế, thầy thuốc, nhân viên y tế không được để các tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của mình để quảng cáo trong lĩnh vực y tế". Như vậy, một số bài viết quảng cáo lấy danh bác sỹ viết bài quảng cáo cho một sản phẩm để khẳng định "giải pháp trị liệu mới cho căn bệnh ung thư thường gặp" là vi phạm.

Thông tư này cũng quy định: "Nội dung quảng cáo thuốc dùng cho người phải đảm bảo các thông tin và điều kiện: Tên thuốc, tên biệt dược, tên hoạt chất hoặc tên gốc; cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, những khuyến cáo đặc biệt và những điều cần tránh, lưu ý khi sử dụng thuốc; tên, địa chỉ nhà sản xuất, kinh doanh thuốc; lời dặn "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng"; các điều kiện cần thiết khác theo quy định của Bộ Y tế".

Các hành vi quảng cáo trong lĩnh vực y tế bị cấm bao gồm: Quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá khả năng trình độ chuyên môn và phạm vi được hành nghề. Quảng cáo các phương pháp chữa bệnh chưa được Bộ Y tế cho phép. Quảng cáo sai với nội dung đã công bố hoặc đã đăng ký. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như một loại thuốc...

Trước tình trạng lạm dụng quảng cáo trong lĩnh vực y tế, thổi phồng tác dụng của sản phẩm như "thần dược", người tiêu dùng cần biết phân biệt để chọn lựa sử dụng sản phẩm cho phù hợp. Đặc biệt, khi có thông tin về loại thuốc, hoặc hàng hoá không phải là thuốc mà có tác dụng trị bệnh nan y, trị nhiều loại bệnh, người tiêu dùng cần tham khảo ý kiến bác sỹ để tránh mắc "bẫy  quảng cáo", tránh sự tin tưởng thái quá để rồi tiền mất, tật mang. Các cơ quan chức năng cũng cần xiết chặt quản lý và xử lý kịp thời đối với việc vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực y tế để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việt Hà
.
.
.