Lãi suất huy động ‘dâng sóng’ nhưng không đáng ngại

Thứ Hai, 21/09/2015, 08:44
Tỷ giá tăng, tín dụng tăng, mùa vụ cho vay cuối năm đã được khởi động… là một loạt nguyên nhân đang khiến lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Liệu thị trường có hình thành mặt bằng lãi suất mới, kéo theo lãi suất cho vay tăng, phá vỡ chiến lược kéo lãi suất giảm của Chính phủ?

Dù đã có “triệu chứng” rục rịch từ trước, nhưng việc tăng lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng trở nên rõ nét nhất kể từ sau động thái 2 lần nâng biên độ và 1 lần tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào giữa tháng 8/2015.
Lãi suất tăng sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ. Ảnh: Nguyên Võ.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 24/8 tại NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%), kỳ hạn 6 tháng là 6,7%/năm (tăng 0,5%) và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm. Tại NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 5,3%/năm (tăng 0,2%), kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm (tăng 0,4%) và kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm (tăng 0,3%)... Tại Saigonbank, lãi suất cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) cũng đã tăng thêm 0,1%; tại VIB mức tăng là 0,2-0,3%; tại An Bình mức tăng là 0,2%...

Không chỉ nâng lãi suất, một số nhà băng còn tung ra các chương trình khuyến mãi để hút khách hàng.

Điểm đáng chú ý là các NH lớn như NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank), NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)... cơ bản không thay đổi. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 4,6%/năm; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6%.

Lý giải cho đợt sóng tăng lãi suất huy động này, các chuyên gia cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là đây là “hệ quả” của việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN, đặc biệt là đợt điều chỉnh tỷ giá mạnh trong tháng 8 đã tạo ra áp lực không nhỏ cũng như kỳ vọng tăng lãi suất trên thị trường. Kể từ đầu năm đến nay, tiền đồng (VND) đã mất giá khoảng 5% so với USD. Điều này khiến cho nhiều người có tiền nhàn rỗi có tâm lý dao động, muốn chuyển sang nắm giữ USD hoặc tìm một kênh đầu tư khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Để giữ chân khách hàng, việc tăng lãi suất huy động là điều không thể tránh khỏi đối với các NH nhỏ. Thực tế, trong hai tuần cuối tháng 8, lãi suất liên NH tăng nóng (trên mức 5% ở tất cả các kỳ hạn) thể hiện rõ sự căng thẳng thanh khoản của toàn hệ thống sau khi rủi ro tỷ giá tăng cao.

Nguyên nhân thứ 2, số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tín dụng tính đến cuối tháng 8 đã tăng trưởng 10,23% so với cuối năm 2014 (gấp đôi mức tăng của cùng kỳ năm ngoái). Tín dụng tăng, tức là tiền cho vay tăng, trong khi tiền huy động không theo kịp đã gây sức ép tăng lãi suất huy động, nhằm bổ sung nguồn vốn đầu vào phục vụ cho các khoản vay, đặc biệt khi mùa cao điểm cuối năm đang cận kề.

Lãi suất huy động tăng, dẫn đến lãi suất cho vay tăng theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái các NH rục rịch tăng lãi suất đầu vào không đáng nghi ngại, bởi chỉ diễn ra tại các NH nhỏ, và nó cũng không tạo ra làn sóng tăng lãi suất ồ ạt, hay thiết lập một mặt bằng lãi suất mới. Trước đó, vào đầu tháng 6, các NH ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi, nhưng cuối cùng lãi suất cho vay không hề nóng lên. Tuy nhiên, khả năng lãi suất cho vay hạ xuống trong thời điểm này là vô cùng khó khăn. Điều này đồng nghĩa lộ trình giảm lãi suất cho vay của Chính phủ sẽ khó tiếp tục được thực hiện như trước đó.

Trong báo cáo chiến lược tháng 9/2014, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, những biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, BVSC cho rằng NHNN sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh, bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống NH và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp. Như vậy, mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các NH có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm.

Tỷ giá đủ dư địa để “đối phó” nếu Fed tăng lãi suất

Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với báo giới chiều 20/9, trước lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ tạm thời trì hoãn việc nâng lãi suất USD, và sẽ tăng trong thời gian tới.

“Trên thực tế, khả năng FED tăng lãi suất về cơ bản đã được phản ánh vào diễn biến lãi suất, tỷ giá trên thị trường tài chính quốc tế từ cuối năm 2014 đến nay và đã nằm trong kịch bản tính toán của NHNN về mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ tỷ giá được điều chỉnh thời gian qua. Như vậy, tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016. Do đó, thời điểm FED tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng đến định hướng ổn định tỷ giá của NHNN”- NHNN khẳng định.

Cơ quan này cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Hà An

Lệ Thúy
.
.
.