Lãi giả, lỗ thật - trò phù phép của Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty ECPCO Nha Trang

Thứ Bảy, 03/06/2006, 08:38

Sau 6 năm giải thể, hậu quả thiệt hại xảy ra ở Công ty Chế biến hàng xuất khẩu (ECPCO) Nha Trang đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Mới đây, Công an tỉnh Khánh Hòa đã có kết luận điều tra, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án đề nghị truy tố Giám đốc và kế toán trưởng ECPCO. 

Công ty ECPCO Nha Trang là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Ban tài chính quản trị Tỉnh ủy Khánh Hòa, được phép thành lập theo Quyết định số 90/UB ngày 16/1/1993 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ông Phan Thanh (50 tuổi), trú tại 36 Trần Quý Cáp, phường Vạn Thắng được bổ nhiệm chức danh Giám đốc, bà Nguyễn Thị Thắng (52 tuổi), trú tại thôn Phú Bình, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, cũng được tín nhiệm giữ vai trò Kế toán trưởng.

Lúc đó không ít "quan chức" nhầm tưởng họ là những cán bộ có năng lực, bởi lẽ trong vòng 6 năm (1993-1999), họ không chỉ triển khai xây dựng 3 phân xưởng chế biến hải sản và trụ sở văn phòng doanh nghiệp mà còn lần lượt xây dựng 4 khách sạn ở nội thành và khu du lịch ở đảo Hòn Mun nằm trong vịnh biển Nha Trang xinh đẹp với tổng nguồn vốn đầu tư theo báo cáo trên hồ sơ quyết toán của doanh nghiệp là 16.330.208.656 đồng.

Vào thời điểm ấy, khoản tiền này không phải là nhỏ so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp ở Khánh Hòa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xung quanh việc đầu tư xây dựng 8 công trình nêu trên có nhiều sai phạm. Cụ thể là 3 công trình: khu du lịch đảo Hòn Mun, khách sạn 12 Trần Phú và 9 Yersin, phường Lộc Thọ đã chi vượt dự toán được duyệt 3.411.073.435 đồng, nhưng không báo cáo với cấp có thẩm quyền. Thậm chí, công trình khách sạn 14 Trần Phú, phường Lộc Thọ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, nhưng Giám đốc Phan Thanh và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thắng vẫn tự ý ném tiền đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị lắp đặt tại 5 công trình không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính kế toán, tự chi vượt mức cho phép 1.837.147.740 đồng. Điều đáng nói là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty ECPCO Nha Trang đã sử dụng vốn vay trung hạn, ngắn hạn của Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Khánh Hòa 9.465.740.635 đồng để đầu tư xây dựng 8 công trình. Đó là hành vi sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không có hiệu quả, mà còn phát sinh khoản nợ lãi vay tiền tỷ nhưng không hạch toán… Theo Tổ chức Giám định tài chính - kế toán tỉnh Khánh Hòa, việc sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định đã gây hậu quả thiệt hại phát sinh lãi vay 2.696.949.715 đồng.

Không chỉ cố ý làm trái trong đầu tư xây dựng, mà trong 3 năm (1996-1998), Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty ECPCO Nha Trang còn liều lĩnh trích xuất 1.536.192.479 đồng trong nguồn vốn kinh doanh để chuyển sang… quỹ phúc lợi, khen thưởng, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục thua lỗ. Khoản tiền trích xuất được Phan Thanh và Nguyễn Thị Thắng duyệt chi nhiều khoản, trong đó có cả việc chi hỗ trợ cho một số ban, ngành, chi tham quan, khen thưởng…(?).

Một trong những tài liệu kế toán "lãi giả, lỗ thật".

Để che giấu tình trạng thua lỗ, nợ nần chồng chất, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thắng và các cộng sự đã dàn dựng bảng kê công nợ phải thu còn tồn đọng trong 3 năm (1996-1998) là 4.324.228.027 đồng, nhưng khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm chứng từng trường hợp đã phát hiện công nợ thực tế phải thu chỉ có 81.422.305 đồng, phần còn lại khách hàng đã thanh toán dứt điểm cho Công ty ECPCO Nha Trang, nhưng trên sổ sách kế toán vẫn cố tình treo nợ.

Cùng thời gian trên, Giám đốc Phan Thanh và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thắng còn chỉ đạo lập báo cáo tài chính của Công ty ECPCO Nha Trang với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thu lãi 1.732.221.304 đồng, nhưng kết quả điều tra và giám định tài chính kế toán cho thấy, thực chất doanh nghiệp này thua lỗ 7.789.847.350 đồng!? Hành vi này đã vi phạm Pháp lệnh Kế toán thống kê và quy chế quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ, đồng thời cũng là hành vi báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Trước thực trạng bê bối nêu trên, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký văn bản yêu cầu đình chỉ các hoạt động sản xuất ở Công ty ECPCO Nha Trang, đồng thời quyết định thành lập Hội đồng xử lý tồn tại tài chính và chuyển giao tài sản.

Theo đó, hai khách sạn số 9 Yersin, số 14 Trần Phú, trụ sở văn phòng ECPCO ở 180 Thống Nhất và cửa hàng thương mại tại Nha Trang chuyển giao cho Công ty Đầu tư phát triển du lịch Nha Trang; khách sạn 12 Trần Phú và tài sản tại khu du lịch Hòn Mun chuyển giao cho Công ty Thương mại đầu tư Khánh Hòa; 3 phân xưởng chế biến thủy sản, ôtô, xe máy, vật tư, hải sản tồn kho… chuyển giao cho Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu F17 Nha Trang. Các doanh nghiệp phải đảm nhận trách nhiệm trả nợ vay, nợ lãi cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương và Quỹ hỗ trợ phát triển Khánh Hòa tương ứng với giá trị tài sản 13.245.000.000 đồng đã tiếp nhận từ Hội đồng giải thể Công ty ECPCO Nha Trang.

Hành vi cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và báo cáo sai trong quản lý kinh tế của Giám đốc Phan Thanh và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thắng gây ra phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật hình sự

Hữu Toàn
.
.
.