Lại có thêm Công ty tư vấn du học lừa?

Thứ Ba, 25/11/2008, 15:05
Tìm đến Toà soạn Báo CAND, em Phạm Xuân Hùng, 25 tuổi, trú tại tổ 7, thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng - Thái Bình) cho biết Công ty Tư vấn du học Tiến Dũng (trụ sở tại thị trấn Đông Hưng) có dấu hiệu lừa đảo.

>>Nhiều khuất tất trong tuyển sinh du học của SACC

Khoảng tháng 9/2008, ông Bùi Thọ Dũng - Giám đốc Công ty Tư vấn du học Tiến Dũng (trụ sở tại thị trấn Đông Hưng) tìm đến nhà tư vấn cho đi Singapore theo hình thức vừa học vừa làm. Kèm theo những lời giới thiệu hấp dẫn bằng hình ảnh video là một tờ "Thông báo tuyển sinh du học vừa học vừa làm tại trường Stamford và trường Orion của Singapore".

Theo thông báo được đóng dấu ký tên của Công ty Tiến Dũng ngày 26/9/2008 này thì ngoài tiêu chuẩn dự tuyển khá đơn giản, du học sinh khi sang Singapore sẽ được học tại các nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn của Singapore. Đặc biệt sẽ được đi làm thêm với thu nhập mỗi tháng 13 triệu đồng (chưa bao gồm tiền làm thêm giờ). Thời gian du học là 3 năm.

Không chỉ dừng lại ở những "ưu đãi" hấp dẫn đó. Tờ thông báo này còn nhấn mạnh: Học sinh tốt nghiệp hệ quản lý nhà hàng khách sạn nếu có nguyện vọng có thể sang Anh, Australia học với mức lương thực hành… 2.000USD/tháng trở lên?! Chi phí cho chương trình này là 70 triệu đồng. Bỏ chi phí 70 triệu đồng, nhưng bù lại được đi du học 3 năm với thu nhập 13 triệu đồng/tháng thì… quá lãi.

Chính vì vậy nên sau khi nhận được thông báo trên, gia đình em Hùng đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng 70 triệu đồng để cho con du học. Hợp đồng được ký kết với đầy đủ biên lai thu tiền, cam kết của Công ty TNHH Tư vấn du học Tiến Dũng. Không  phỏng vấn, cũng chẳng cần sát hạch trình độ tiếng Anh của người dự tuyển mà ngày 2/10, Phạm Xuân Hùng đã được Công ty Tiến Dũng đưa sang Singapore.

Mệt mỏi, chán chường trong bộ quần áo nhiều chỗ đã sờn cũ, "du học sinh" Phạm Xuân Hùng thật thà cho biết: Cách đây ít lâu Hùng đã xin được công việc lái máy cẩu vận chuyển xi măng cho một công ty ở gần nhà. Công việc vất vả, lương mỗi tháng chỉ được 1 triệu đồng nên em đã quyết định nghỉ làm và đi Singapore theo chương trình trên.

Tiếng Anh không biết, thế nên bước xuống sân bay ở Singapore Hùng lớ ngớ. Em được đại diện Công ty này đưa về khu trọ ổ chuột tại đường 26, Geylang cùng một số người Việt Nam sang đây từ trước. Phòng trọ chật chội có 3 chiếc giường tầng dành cho hơn 10 người chen chúc nhau. Tiền trọ mỗi tháng mất 200 đô la Singapore, tiền ăn mỗi bữa hơn 3 đô la Singapore, tất cả đều phải tự bỏ tiền túi.

Không biết tiếng Anh nên hơn 1 tháng ngồi trong lớp học, Hùng chỉ ngồi như "vịt nghe sấm". Không hiểu, không nghe, nói một chữ nào. Điều duy nhất mà anh công nhân lái máy xúc này nhận biết được là mình chưa hề có tên tại trường vì chẳng bao giờ thấy ai điểm danh hay nhắc đến.

Chờ đợi hơn 1 tháng với chi phí ăn uống sinh hoạt rất đắt đỏ, số tiền mang theo cũng hết. Mặc dù đã gọi điện về Việt Nam với Công ty Tiến Dũng nhưng sau vài lời hứa hẹn chung chung, Hùng vẫn chẳng có việc làm. Sau hơn 1 tháng phiêu bạt nơi đất khách, Hùng đã phải vay tiền một người Việt tại đây mua vé máy bay về Việt Nam. Theo em cho biết trên chuyến bay về nước ngày 11/11, ngoài Hùng còn có 8 học sinh bị một số "công ty du học lừa" khác đưa đi Singapore dưới dạng "vừa học vừa làm".

Được biết ngoài Phạm Xuân Hùng, Công ty Tiến Dũng còn đưa một số người đi sang Singapore dưới dạng người đi du lịch kết hợp việc làm với mức phí cao ngất ngưởng. Có những trường hợp sau khi sang đến nơi đi buôn thuốc lá lậu bị Cảnh sát nước sở tại bắt giam sau nhiều ngày mới về được Việt Nam.

Trong những dòng chữ liêu xiêu gửi đến chúng tôi, mẹ em Phạm Xuân Hùng cho biết: Thu nhập cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Chồng chị trước đây từng đi bộ đội tại chiến trường Campuchia hiện vẫn còn vài mảnh đạn trong người nên thường xuyên đau ốm và mắc chứng điếc nặng.

Những tưởng vay mượn tiền cho con đi Singapore để đỡ đần gánh nặng cho gia đình, ngờ đâu nên nỗi. Sau khi Hùng trở về Việt Nam, gia đình đã tìm đến Công ty du học này nhưng công ty đã chối bỏ trách nhiệm. Thậm chí trong những ngày gần đây, Công ty này đã đóng cửa văn phòng, dọn dẹp đồ đạc đánh bài chuồn.

Theo em Phạm Xuân Hùng thì em và một số bạn khác cũng là học sinh chung lớp học với 13 du học sinh bị Công ty Tư vấn du học và Xây dựng (SACC) lừa đảo. Sau khi trở về Việt Nam, đọc Báo CAND và nhìn thấy hình ảnh của những du học sinh này nên em tìm đến Toà soạn để tố cáo.

Theo Hùng thì hiện gần khu vực em trọ có khá nhiều du học sinh bị lừa theo hình thức tương tự nói trên đang sinh sống. Liệu Công ty TNHH Tiến Dũng có lừa đảo như trên? Báo CAND đề nghị Công an tỉnh Thái Bình nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành xác minh, điều tra làm rõ vụ việc

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.