Kỳ vọng nhưng cũng nhiều thách thức

Thứ Năm, 04/06/2015, 10:19
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEUV-FTA) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan vừa được chính thức ký kết.
>> Ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu

Đây được kỳ vọng là hiệp định có ý nghĩa chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) nói chung và với từng nước thành viên nói riêng, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của liên minh và đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực của Việt Nam. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, EEUV-FTA khá cởi mở trong vấn đề tự do thuế quan, cụ thể là việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia thành viên Cộng đồng kinh tế Á-Âu (EAEC) với Việt Nam. Bên cạnh giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng có trong danh mục hàng hóa tham gia hiệp định, các bên tham gia hiệp định vẫn có thể giữ bảo hộ thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm nhất.

Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Hiệp định EEUV-FTA được đàm phán và kết thúc nhanh chóng so với các hiệp định khác như TPP, EU… chứng tỏ các bên đều thấy có sự cần thiết và là cơ hội, việc ký kết và thực hiện cũng rất cấp tập, nhanh chóng, ký xong thực hiện luôn, khác với hiệp định khác cần có thời gian chuẩn bị. 

Hiệp định này có điểm lợi là các bên đối tác bổ sung cho nhau. Dự kiến xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 63%, thương mại giữa hai bên từ 4 tỷ USD/năm sẽ lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, song có vấn đề Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm việc hết sức khẩn trương, là thanh toán như thế nào. Hiện phía Nga rất muốn sử dụng đồng Rup, song trong tình hình chịu sức ép hiện nay thì rủi ro đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam là khá lớn. 

Thứ hai, hai bên cần tạo ra một quan hệ hợp tác đối tác đáng tin cậy, tức là phải có sự hiểu biết tốt hơn. Hiện DN Việt Nam hiểu biết về DN Nga còn hạn chế, trong khi đối tác Kazakhstan cũng là đối tác quan trọng song cũng chưa am hiểu nhiều, do đó cần có sự nỗ lực tìm hiểu rất nhiều. Các mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo, thì Nga là thị trường có phân khúc rất rộng, ta cần tận dụng sự đa dạng về địa lý để tiếp cận. 

Tuy nhiên, thách thức sẽ đến với ngành thép, bởi thép của Nga công nghệ cao hơn ta rất nhiều, đã xây dựng từ lâu và đã khấu hao hết, nên bây giờ tràn vào sẽ khiến DN thép gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, điều cần làm là làm sao tổ chức thực hiện và tạo lợi thế, để DN Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà hiệp định mang lại.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cũng cho rằng, hiện nay thị trường các nước EEU nhập một năm khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may, song thị phần của Việt Nam tại các thị trường này chỉ chiếm 2%. Do đó, việc ký FTA này là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng tỷ trọng, cũng như kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này...

L.Hiệp
.
.
.