Kỳ tích đóng góp 30% GDP của ngành công nghiệp có 2 triệu lao động

Thứ Sáu, 26/02/2021, 07:29
Hiện nay, công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông đã có bước phát triển nhảy vọt với doanh thu đạt 120 tỉ USD, gấp 400 lần, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 37%/năm trong 2 thập kỷ qua.

Cách đây 20 năm, đóng góp của ngành Công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (CNTT-ĐT-VT) mới chỉ ở mức 0,5% GDP với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của cả nước và được coi là ngành kinh tế cấp 2 nhỏ, thua kém các ngành khác như Nông nghiệp, Dầu khí, Thương mại, Xây dựng… Nhưng hiện nay, công nghiệp CNTT-ĐT-VT đã có bước phát triển nhảy vọt với doanh thu đạt 120 tỉ USD, gấp 400 lần, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 37%/năm trong 2 thập kỷ qua.

Dù số lượng lao động của ngành này chỉ ở mức 1,03 triệu người, chiếm 1,88% tổng số lao động của cả nước, song nhờ năng suất lao động cao gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân nên đã đóng góp 14,3% vào GDP; xuất khẩu đạt giá trị 89,2 tỷ USD, chiếm 33,7% xuất khẩu của cả nước và giá trị xuất khẩu mỗi lao động tạo ra trong 1 năm cao gấp 18 lần mức bình quân. Với những kết quả trên, từ chỗ là một ngành công nghiệp nhỏ bé cách đây 20 năm, hiện công nghiệp CNTT-ĐT-VT đã trở thành ngành kinh tế cấp 2 lớn nhất của Việt Nam, có mức tăng trưởng cao nhất, có năng suất lao động cao nhất và giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Sản xuất sản phẩm công nghệ cao của một doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông.

Về lao động, ngành công nghiệp CNTT-ĐT-VT sử dụng lực lượng lao động thấp hơn 5 ngành kinh tế cấp 2 khác, nhưng đóng góp vào GDP lại cao hơn cả ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp với 18,8 triệu lao động và những ngành kinh tế cấp 1 khác. Giá trị đóng góp của ngành CNTT-ĐT-VT vào GDP cũng lớn hơn tổng giá trị đóng góp của 4 ngành Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Vận tải kho bãi và Y tế với tổng số lao động là 7,26 triệu người; thậm chí là cao hơn so với cả 7,28 triệu lao động ngành Thương mại và gấp 2 lần đóng góp của 4,6 triệu lao động ngành Xây dựng… 

Năm 2019, xuất khẩu của cả nước đạt hơn 264 tỷ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử là 89,2 tỷ USD; dệt may 32,85 tỷ USD; giày dép 18,32 tỷ USD; máy móc, thiết bị khác là 18,3 tỷ USD; nông sản 16,91 tỷ USD; gỗ và các sản phẩm gỗ là 10,6 tỷ USD. Như vậy, ngành công nghiệp CNTT-ĐT-VT có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước, gấp 2,7 lần ngành hàng thứ 2 là dệt may. Thực tế trên đặt ra vấn đề, nếu tăng được số lao động trong ngành công nghiệp CNTT-ĐT-VT lên 2 triệu người thì đóng góp của ngành này có thể đạt mức 30% GDP.

Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, do GDP đầu người thấp nên chi phí lao động ở Việt Nam thấp so với các nước có thu nhập cao trên 15.000 USD/người/năm, chi phí này thường thấp hơn từ 6 - 10 lần. Đây là điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Với lợi thế trên, Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư từ các nước, trong đó có lĩnh vực Công nghiệp CNTT-ĐT-VT như Công ty Intel đã đầu tư 1,5 tỉ USD, Công ty LG đầu tư 1,5 tỉ USD, Microsoft đầu tư hơn 300 triệu USD, Samsung đầu tư 14,8 tỉ USD…

Tổng cộng, đầu tư nước ngoài vào ngành CNTT-ĐT-VT đã ở mức trên 20 tỉ USD. Như vậy, với khoảng 1 triệu lao động, giá trị đầu tư nước ngoài trên 1 lao động đã ở mức 20.000 USD. Trong khi đó, với các ngành kinh tế khác không kể Nông nghiệp và ngành CNTT-ĐT-VT, tổng đầu tư nước ngoài đã thực hiện là 133 tỷ USD. So sánh với tổng số lao động trong các ngành có vốn đầu tư nước ngoài không tính 2 ngành trên, giá trị đầu tư nước ngoài bình quân trên 1 lao động chỉ vào khoảng 4.300 USD. 

Như vậy suất đầu tư nước ngoài trên 1 lao động ngành CNTT-ĐT-VT cao gấp 4,65 lần suất đầu tư nước ngoài trên 1 lao động của các ngành kinh tế khác. Với suất đầu tư cao như vậy, các doanh nghiệp CNTT-ĐT-VT có các thiết bị công nghệ tiên tiến, sản xuất chủ yếu tự động hóa, do đó năng suất lao động cao. Năng suất lao động của ngành CNTT-ĐT-VT gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước, trong đó năng suất lao động của Khu CNC TP Hồ Chí Minh gấp 16,6 lần.

Thực tế trên đặt ra vấn đề tạo ra các điều kiện để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào ngành CNTT-ĐT và sản xuất, dịch vụ ứng dụng CNC để phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động. GS Nguyễn Thiện Nhân phân tích, Việt Nam là quốc gia có nền tảng công nghiệp CNTT-ĐT-VT tương đối mạnh, đã số hóa cơ bản tài nguyên dữ liệu quốc gia. Nguồn nhân lực của cả nước cũng phong phú, trình độ ngày càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT-ĐT-VT.

Với nền tảng cơ bản trên, chỉ cần có kế hoạch phát triển nhân lực tốt, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, thực hiện đại học chia sẻ và hợp tác với nước ngoài để đào tạo có chất lượng cao, thì đến năm 2045 cả nước có thể đạt 3,5 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp CNTT-ĐT-VT, trong đó hơn nửa triệu người làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đây chính là triển vọng to lớn để tăng trưởng kinh tế bằng năng suất lao động cao dựa trên ngành CNTT-ĐT-VT, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay.

Đ.Thắng
.
.
.