Krông Bông - Đắk Lắk: Giao rừng để chống phá rừng

Chủ Nhật, 11/03/2007, 08:57
Đã có một thời gian dài, những cánh rừng nguyên sinh ở Krông Bông - Đắk Lắk bị đốn hạ la liệt để lấy gỗ và lấy đất sản xuất. Nhưng kể từ khi chính quyền có chủ trương “liên kết trồng rừng”, giao rừng cho dân “bộ mặt” nơi đây đã hoàn toàn đổi khác.

Krông Bông là một huyện nghèo thuộc vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương. Tuy vậy, do dân số tăng nhanh, cộng với hiện tượng dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc tràn vào đã khiến cho diện tích đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng ngày càng suy giảm.

Đã có một thời gian dài, những cánh rừng nguyên sinh bị đốn hạ la liệt để lấy gỗ và lấy đất sản xuất. Nguyên nhân là rừng không có chủ. Từ năm 2000 tới nay, huyện Krông Bông đã giao hơn 9.000ha rừng cho 37 nhóm hộ (gồm 370 hộ và 11 cộng đồng) với 766 hộ thuộc các thôn buôn quản lý bảo vệ.

Đầu xuân, chúng tôi có chuyến ghé thăm những cánh rừng do các hộ dân liên kết với Lâm trường Krông Bông trồng và chăm sóc. Lãnh đạo Lâm trường cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện liên kết trồng và bảo vệ rừng, Lâm trường đã thu hút hơn 900 hộ trên địa bàn 5 xã tham gia, trong đó gần 600 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Tổng diện tích rừng trồng được là 1.100ha với các giống cây chủ yếu: bạch đàn, keo lá tràm, xoan ta, dó bầu… Lâm trường đầu tư trọn gói phân, cây giống, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật, còn người dân có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ.

Tùy thuộc vào từng loại đất mà nguồn vốn đầu tư khác nhau, dao động từ 7 đến 12 triệu đồng/ha vào năm đầu và giảm dần ở các năm kế tiếp. Đến thời điểm khai thác, sau khi Lâm trường thu hồi lại vốn đầu tư, sản phẩm sẽ được ăn chia tỷ lệ 50 - 50.

Ông Ama Pheng ở buôn Kiều (xã Yang Mao) cho biết: Từ năm 2002, gia đình ông nhận 4ha rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ trong thời gian 50 năm, được cấp thẻ quản lý bảo vệ rừng đàng hoàng. Đến nay, khu rừng của Ama Pheng đã bắt đầu khai thác đợt đầu tiên, dự kiến sẽ thu lợi khoảng 5 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí).

Tiếp xúc với một số hộ dân thuộc buôn Phung (xã CưPui), hầu hết đều tỏ ra phấn khởi vì theo họ, khi rừng đã có chủ thì không sợ bị chặt phá nữa, người dân có thể yên tâm sống được với rừng. Rõ ràng, mô hình liên kết để bảo vệ rừng, phát triển kinh tế tại Krông Bông đang góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân, đồng thời góp phần bảo vệ rừng hiệu quả

Tuấn Thiện
.
.
.