Kinh doanh xuất khẩu gạo: Coi trọng cân đối lương thực

Thứ Ba, 06/05/2008, 10:57

Những năm gần đây, tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của cả nước, nhiều địa phương đã tiến hành trồng lúa quanh năm theo kiểu gối vụ.

Theo báo cáo, việc trồng lúa tại khu vực này hiện có nơi đã lên tới 4 vụ, 2 vụ chính là đông xuân và hè thu được canh tác tại cả 13 tỉnh, thành; vụ đông xuân được canh tác tại 7 tỉnh, thành và làm lúa vụ mùa cũng đã được thực hiện tại 7 địa phương.

Tuy diện tích đất dành trồng lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung đã giảm mạnh: năm 2007 diện tích gieo cấy của cả nước chỉ còn 7,2 triệu ha, giảm 124 ngàn ha so với năm 2006; năm 2008 diện tích đất trồng lúa tiếp tục giảm xuống còn 7,16 triệu ha do chủ trương chuyển đổi cây trồng, dành quỹ đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sản lượng lúa thu hoạch hằng năm trên cả nước vẫn tăng mạnh, từ 1-2 thậm chí là 3 triệu tấn/năm.

Cũng theo phương pháp cân đối truyền thống, mức hao hụt trong và sau thu hoạch được áp dụng là 10%. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã khá cao, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhà nông đã đầu tư  trên 1.000 máy gặt đập liên hợp; hàng chục ngàn máy sấy lúa nên chắc chắn tỷ lệ hao hụt đã giảm nhiều. Mức 5% tổng sản lượng lương thực dành làm thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng vậy.

Hiện nay hầu hết người dân đều dùng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, vì vậy tỷ lệ này cũng đã giảm. Với định mức tiêu dùng 10kg gạo/tháng cho mỗi người dân thành thị và 15kg gạo/tháng cho người dân nông thôn để cân đối lượng lương thực cho nhân dân cũng vậy.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định: "Kinh tế phát triển, nhu cầu, điều kiện ăn uống sinh hoạt của người dân đã thay đổi nhiều, các định mức trên không còn hợp lý".

Tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm sau xay xát được áp dụng mức 50% thời gian qua cũng vậy, so sánh với tỷ lệ thu hồi từ các nhà máy xay xát từ 55 - 65% thì con số này đã hoàn toàn không còn chuẩn xác. Vì vậy, lượng gạo dôi dư từ những con số không sát thực tế trong phương pháp cân đối lương thực truyền thống vẫn áp dụng là rất lớn.

Điều này giải thích tại sao năm 2005, khi tổng sản lượng lúa của cả nước chỉ đạt 35,8 triệu tấn nhưng trong năm đó, cả nước đã xuất khẩu được 5,2 triệu tấn gạo mà vẫn bảo đảm cân đối được lương thực.

Điều này cũng đã cho thấy, tình trạng khan hiếm gạo cuối tháng 4 vừa qua chỉ là giả tạo do việc đầu cơ, đánh trúng tâm lý người dân. Bởi chỉ riêng vụ đông xuân 2007 - 2008 sản lượng lúa thu hoạch của cả nước đã đạt 17,15 triệu tấn, trong lúc đến hết tháng 4/2008, lượng gạo xuất khẩu mới chỉ đạt trên 1 triệu tấn.

Theo kế hoạch sản xuất lương thực năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng lúa cả nước sẽ đạt 36 triệu tấn, sau khi trừ chi dùng nội địa khoảng 27,8 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu ở mức 8,2 triệu tấn, tương đương 4,1 - 4,5 triệu tấn gạo.

Nhưng theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, năm 2008 cả nước chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo. Như vậy có thể khẳng định lượng gạo dành cho nhu cầu tiêu dùng nội địa là dư dả và sẽ không có tình trạng thiếu hụt hoặc khan hiếm gạo

Đ.T.
.
.
.