Kim cương nhân tạo giả tràn lan thị trường

Chủ Nhật, 08/01/2012, 11:24
Lợi dụng nhu cầu mua sắm làm đẹp, nhiều doanh nhgiệp (DN) đã quảng cáo, bày bán rầm rộ "kim cương nhân tạo" mà thực chất đó chỉ là loại đá nhân tạo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng(NTD).

Thời điểm cuối năm, thị trường trang sức trở nên sôi động với sự xuất hiện hàng loạt loại trang sức gắn đá tổng hợp được nhiều DN quảng cáo rầm rộ với tên gọi “kim cương nhân tạo”. Đánh vào tâm lý NTD có nhu cầu mua sắm làm đẹp, làm quà tặng trong những dịp lễ, Tết, các DN đã tung ra nhiều chiêu thức để thu hút người mua như: khuyến mãi giảm giá 30%, 50%, 70%, giảm giá cực sốc… Tuy nhiên, thực tế dù giá có rẻ cỡ nào thì NTD vẫn bị thiệt hại...

Ngày 6/1, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh (SJA) cho biết: Những sản phẩm được các DN bán buôn và bán lẻ giới thiệu là “kim cương nhân tạo” gắn trên trang sức thực sự đó là các loại đá nhân tạo chứ không phải là “kim cương nhân tạo”. Việc quảng cáo như vậy của một số DN đã khiến NTD nhầm lẫn.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường Việt Nam hiện nay chưa có mua bán kim cương nhân tạo. Đa phần “kim cương nhân tạo” trên thị trường thực chất chỉ là những viên đá cubic zirconia (hay còn gọi là đá tổng hợp CZ). Loại đá này được gia công qua khâu mài để có thêm đặc tính chiếu sáng như kim cương. Chỉ sau một thời gian ngắn (khoảng 6 tháng) sử dụng, khi tiếp xúc với hóa chất thì những hạt đá này bị trầy xước hoặc sẽ bị xuống màu.

Nhiều  loại “kim cương nhân tạo” được các doanh nghiệp quảng cáo đến người tiêu dùng.

Lợi dụng NTD ít có thông tin về kim cương nhân tạo nên nhiều DN đã tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách “khẳng định chất lượng” thông qua giấy kiểm định chất lượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, các trung tâm giám định trong nước đều khẳng định chưa bao giờ cấp giấy xác nhận cho hạt đá CZ nào là kim cương nhân tạo, mà đều ghi rất rõ là đá CZ.

Ông Lê Hữu Hạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý PNJ, Chủ tịch Công ty Kiểm định kim cương, đá quý PNJ nhận định: Các loại đá tổng hợp trên thị trường nữ trang được các DN gắn mác “kim cương nhân tạo” bán cho NTD với giá cao hơn rất nhiều lần giá trị của nó. Đánh vào tâm lý ham hàng giá rẻ của NTD, một số DN sử dụng các chiêu thức quảng cáo, giảm giá… nhưng giá sau khi giảm thì NTD vẫn bị thiệt hại rất nhiều so với giá trị thực sự của những viên đá mà họ sở hữu được.

Kim cương thiên nhiên có độ cứng cao nhất, có chiết suất và độ tán sắc cao nên làm cho chúng có lửa và độ chiếu hoàn hảo khi được cắt mài. Kim cương tự nhiên có tính dẫn nhiệt rất tốt, đây cũng là đặc điểm được sử dụng để phân biệt kim cương thiên nhiên với những loại đá quý, đá bán quý và đá giả kim cương”.

Th.s Đoàn Thị Anh Vũ - giảng viên Khoa Địa chất chuyên ngành ngọc học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM cũng nêu sự khác biệt giữa kim cương và đá tổng hợp CZ để NTD dễ dàng nhận diện: “Do tỷ trọng của CZ cao hơn rất nhiều so với kim cương (3,52) nên đây cũng là một đặc điểm để phân biệt CZ và kim cương...”

T.Hà
.
.
.