Kiên quyết xử lý doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ thuế

Thứ Hai, 20/07/2020, 07:32
Trong khi ngân sách Nhà nước (NSNN) hụt thu vì dịch bệnh, Chính phủ và Nhà nước vẫn dành rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) để giúp họ vượt qua khó khăn, thì một số đối tượng đã lợi dụng việc cả hệ thống chính trị tập trung vào phòng, chống dịch COVID-19 để cố tình chây ỳ nợ thuế. Tổng cục Thuế cho biết sẽ “mạnh tay" với những trường hợp này.

Số liệu báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cá nhân. Trước tình hình này, Tổng cục Thuế đã kịp thời có các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. “Khi COVID-19 bùng phát, cơ quan thuế đã tập trung rà soát, phân loại những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Việc rà soát, phân loại DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không chỉ thu hồi nợ đọng, có giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, qua đó còn phát hiện ra nhiều DN lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ, nợ thuế. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, ngành thuế áp dụng biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ", ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) cho biết.

Ngành thuế công khai 76.400 doanh nghiệp chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế đã rà soát 6.300 DN nợ thuế trên 1 tỷ đồng/doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng; ban hành khoảng 19,667 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp; thu hồi được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế có khả năng thu từ năm 2019 chuyển sang, đạt 44,6% kế hoạch. Cũng trong cùng thời gian, cơ quan thuế đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 745 quyết định cưỡng kê biên tài sản, thu tiền tài sản; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai 76.400 DN chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.

Song song với việc rà soát, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xác định cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và giúp người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế. Tính đến hết tháng 6-2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 29.280 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 31,67% kế hoạch năm 2020 và bằng 82,84% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 281.219 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 28.940,55 tỷ đồng, bằng 140,86% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.827,28 tỷ đồng, đạt 46,48% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.

Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, tại nhiều địa phương, bên cạnh một số DN chây ỳ nợ thuế nhiều năm nay, thời gian qua cũng xuất hiện những DN nợ thuế mới. Điển hình là Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex. Đến nay, số lượng các căn hộ đã được DN này cơ bản bán hết, tuy nhiên DN vẫn nợ tiền thuế 58 tỷ đồng, trong đó nợ tiền sử dụng đất 52 tỷ đồng, tiền chậm nộp là 7,5 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân chậm nộp thuế, ông Đoàn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Prosimex cho biết, nợ mới phát sinh do Kiểm toán Nhà nước mới thực hiện kiểm toán và phát sinh nghĩa vụ thuế từ tháng 6-2019. “Theo kế hoạch thì tháng 12-2019, DN phải thực hiện nộp nghĩa vụ thuế vào NSNN. Tuy nhiên, từ tháng 12-2019 đến nay, do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nên DN chưa bán được hàng, dẫn đến gặp khó khăn”, ông Bình nói.

Với trường hợp cố tình chây ỳ, lợi dụng dịch bệnh, ông Toản cho biết cơ quan Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, nhất là với những trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ, song hành cùng DN vượt qua khó khăn, cơ quan thuế cũng phải “rắn mặt” với những trường hợp cố tình chây ỳ.

Là đơn vị trực tiếp làm việc với DN, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, một số trường hợp cố tình chây ỳ, cơ quan thuế đã nắm bắt được thông tin dòng tiền từ bên thứ 3. Cơ quan Thuế sẽ thực hiện xác minh để thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo. Trường hợp Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex, do nợ thuế nên Cục Thuế Hà Nội đã cưỡng chế hóa đơn của DN từ tháng 4-2020. Nếu kết quả xác minh đánh giá biện pháp kê biên tài sản, hoặc thu tiền từ bên thứ 3 không hiệu quả, cơ quan thuế sẽ chuyển biện pháp cưỡng chế cao nhất: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

“Mạnh tay” với DN chây ỳ, Tổng cục Thuế cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao năm 2020. Số nợ thuế đến cuối năm 2020 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu vào NSNN. Đối với người nộp thuế không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng chây ỳ để nợ thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã yêu cầu các Cục Thuế áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để thu nợ thuế. Đồng thời, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang bộ phận thanh tra, kiểm tra để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế với những đối tượng này.

Hà An
.
.
.