Tăng cường xử lý xe quá tải trọng:

Kiên quyết xử lý chiêu né trạm và “chung chi” để được qua trạm cân

Thứ Năm, 24/04/2014, 09:52
Những ngày qua, trên toàn quốc,  các địa phương đồng loạt triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Sau hơn 20 ngày ra quân với sự phối hợp đồng bộ, tích cực giữa Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và Kiểm sát quân sự, lực lượng chức năng đã thu được những kết quả tích cực, song vẫn còn đó những khó khăn và thử thách…

Đủ “chiêu” né trạm cân

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 23/4, biết trạm cân đặt tại Km 947 quốc lộ 14 đặt tại khu vực xã Đồng Tâm (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) hoạt động trở lại, nên hàng loạt xe tải đã dừng dọc lề quốc lộ, cây xăng, quán xá, lô cao su, bãi đất trống, nhà dân, ngõ hẻm... Tại nơi dừng đậu, một số xe đã “sáng kiến” ra chiêu để tránh vi phạm bằng cách thuê người bốc bớt hàng qua (để giảm tải) một xe tải nhỏ sau đó chở qua trạm cân. Việc các xe chây ỳ hai bên đường, quyết không vào trạm cân đã ảnh hưởng đến trật tự giao thông ở khu vực đặt trạm cân. Một cán bộ Thanh tra giao thông cho biết, các tài xế dừng xe bên đường có nhiều lý do để đổ thừa như: Xe hỏng hóc, hết nhiên liệu.

Trong buổi sáng 23/4, trạm đã cân được 22 xe (chủ yếu ôtô tải) và phát hiện 4 xe vi phạm. “Theo biên bản vi phạm được lập, hầu hết các xe vi phạm đều bị xử phạt nặng, trung bình từ 6 - 8 triệu đồng, có phương tiện trên 10 triệu đồng, đồng thời một số tài xế bị tước giấy phép lái xe. Với việc xử phạt nặng  và nghiêm nên tình trạng vi phạm quá tải đã giảm hẳn” – Đại úy Phan Tấn Sỹ - cán bộ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước cho biết.

Lực lượng liên ngành kiểm tra trọng tải xe tại trạm cân trên QL18 (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh).

Trong khi đó, một số tài xế cho biết, những xe quá tải trọng đi qua trạm cân chịu nộp phạt là do có sự thống nhất hoặc yêu cầu của doanh nghiệp, chủ hàng. Những xe gượng ép vào cân và chịu phạt để qua đường hầu hết là chở hàng thực phẩm dễ ôi thiu, không dám để lâu, hoặc hàng hóa cần giao nhanh cho đối tác. Ông Hồ Văn Hữu - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước cho biết, trước tình trạng xe nằm la liệt bên đường, sở đã chỉ đạo dựng các bảng cấm đỗ, dừng xe trên QL14 (khu vực gần trạm cân), nếu xe dừng sai quy định sẽ xử phạt. Tuy nhiên, đối với những xe “trốn” trong các quán nước, trạm xăng ven đường hoặc hạ tải trước khi qua trạm cân, sở chưa tìm được biện pháp để xử lý, vì những xe này không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Một tài xế chạy tuyến TP.HCM đi Đắk Lắc cho biết: “Một chuyến hàng “vượt” tải trọng cho phép từ Sài Gòn đi Đắk Lắk tài xế được hưởng từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, khéo léo thì vượt trạm còn “dính” trạm cân thì chủ lãnh đủ”. Tài xế này cho biết thêm, khoảng 20h ngày 16/4, nhiều xe tải chạy tuyến từ thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đi tỉnh Đắk Nông và ngược qua trạm cân trên QL14, đoạn qua xã Đồng Tâm đã sung sướng đạp ga hồn nhiên vượt qua vì trạm cân gặp sự cố hư hỏng.

Đề nghị “chung chi” tiền để qua trạm

Ông Hồ Văn Hữu cho biết: “Khi đến hiện trường kiểm tra hoạt động của trạm cân, biết xe mình quá tải, một tài xế đã gặp trực tiếp tôi và đề nghị “chung chi” để được qua trạm. Tôi nói với bác tài này nếu anh tiếp tục muốn “chung chi” tôi sẽ gọi lực lượng Công an đến lập biên bản. Sau đó bác tài này mới bỏ đi”. Cũng theo ông Hữu, hoạt động của trạm cân có ba lực lượng tham gia gồm: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và Kiểm soát quân sự. Lực lương cảnh sát giao thông có nhiệm vụ dừng xe nếu phương tiện có dấu hiệu chở quá tải. Sau khi các xe bị đưa vào cân, lực lượng sẽ in ra ngay ba phiếu, một cho Cảnh sát giao thông, một cho đơn vị trạm cân, còn lại cho tài xế. Các xe vi phạm sẽ được lập ngay biên bản xử phạt theo qui định.

CSGT Công an tỉnh Bình Phước lập biên bản đối với xe vi phạm quá tải.

Cũng theo ông Hữu, theo thống kê sơ bộ, qua thời gian trạm cân đi vào hoạt động, có hơn 10% xe vi phạm quá tải sau khi cân. Toàn bộ thiết bị có chi phí khoảng 3 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải giao cho tỉnh triển khai thực hiện. Trạm cân chính thức hoạt động 8h ngày 15/4 và phải ngưng hoạt động vào khoảng 20h ngày 16/4. Nguyên nhân ban đầu được xác định là mặt cân B không hoạt động (cân có 2 mặt A và B). Sau khi bị hỏng hóc, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo cán bộ phụ trách trạm cân làm tường trình về việc ngừng hoạt động của trạm cân. Kế đến sở làm dự thảo tờ trình trình UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải và gửi thiết bị về Công ty TNHH MTV Hanel (tại Hà Nội) để sửa chữa. “Do thiết bị được Bộ giao về triển khai thực hiện nên có hỏng hóc gì thì lại phải gửi ra tận Hà Nội mới sửa chữa được. Từ sáng đến giờ chưa thấy có vấn đề gì nhưng nếu hư nữa thì cực muôn phần” - ông Hữu cho biết.

Những chiêu trò “bung” trạm ở Phú Yên

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 23/4, ông Võ Ngọc Kha - Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết, Trạm KTTTLĐ số 43 đặt phía trước Trạm tuần tra kiểm soát giao thông (TTKSGT) Tuy An thuộc Phòng CSGT (PC67) Công an Phú Yên ở Km 1318+750 trên đường QL1A ở xã An Mỹ, huyện Tuy An. Mặc dù quyết định thành lập chậm hơn hai ngày, nhưng Trạm KTTTLĐ số 43 đã hoạt động từ 8h sáng 1/4 theo Chỉ thị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Để chủ động ngăn chặn xe quá tải né tránh, vượt trạm vào thời điểm buổi trưa, nửa đêm và mờ sáng, ngay từ khi khởi động, Trạm KTTTLĐ số 43 ở Phú Yên đã phân chia ba tổ công tác, mỗi tổ có 5 đến 6 cán bộ - nhân viên thực thi nhiệm vụ xuyên suốt ngày và đêm.

Dẫu vậy, giới lái xe tải đã tung chiêu đối phó bằng nhiều thủ đoạn, họ điều khiển xe vào các quán ăn, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hoặc dừng xe nối đuôi nhau hàng trăm chiếc bên đường lộ ở hai đầu Trạm KTTTLĐ số 43, tạo ra sự cố ùn tắc, chờ cơ hội vượt trạm khi phát sinh tình thế cấp thiết phải giải tỏa giao thông, được giới lái xe gọi là “bung” trạm.

Báo cáo số 177/BC-SGTVT ngày 23/4 của Sở GTVT Phú Yên thừa nhận, sau 21 ngày thực hiện nhiệm vụ, đã xảy ra 23 sự cố ùn tắc giao thông trên đường QL1A ở hai đầu Trạm KTTTLĐ số 43. Sau mỗi sự cố như thế, hoạt động KTTT buộc phải tạm dừng với tổng thời gian hơn 24h. Ngoại trừ ngày 4/4, trong những ngày còn lại đều xảy ra sự cố ùn tắc giao thông, thậm chí đã có 4 ngày xảy ra sự cố ùn tắc giao thông hai lần trong một buổi chiều.

Dự báo tình huống này sẽ xảy ra khi Trạm KTTTLĐ số 43 hoạt động, nên một tổ tuần tra thuộc Phòng PC67 - Công an Phú Yên đã triển khai biện pháp tuần lưu trên đường QL1A ở hai đầu trạm để cảnh báo, xử lý vi phạm đối với xe tải dừng, đỗ không đúng quy định. Thế nhưng, những nỗ lực tích cực của CSGT cũng vấp phải một số chiêu thức đối phó bởi giới tài xế lẩn tránh nơi khác sau khi khóa cửa ca bin xe tải, trong khi không có phương tiện cẩu kéo xe vi phạm ra khỏi hiện trường. Và nếu có thì sự xuất hiện của hàng trăm xe nối đuôi nhau trên một cung đường cũng là một khó khăn thử thách lớn. Bên cạnh khó khăn nêu trên, hơn một tuần sau Trạm KTTTLĐ số 43 hoạt động, đã có nguồn tin từ người dân về sự xuất hiện nạn “cò” xe, dẫn đường né trạm cho ôtô quá tải theo tuyến giao thông ven biển phía nam huyện Tuy An và phía bắc TP Tuy Hòa. Ngay lập tức, một tổ tuần tra của Phòng PC67 Công an Phú Yên phối hợp CSGT địa phương tăng cường kiểm tra ráo riết.

CSGT sẽ chủ động, kiên quyết xử lý vi phạm

Tính đến thời điểm này, sau gần 1 tháng ra quân “siết” xe quá trọng tải trên cả nước, lực lượng liên ngành CSGT, Thanh tra giao thông đã kiểm tra hơn 11.000 xe, trong đó lập biên bản xử phạt khoảng 3.000 xe vi phạm. Vốn dĩ được tự do chở hàng, nay bị siết lại đúng trọng tải,  phía lái xe đã dùng đủ “chiêu trò” để né, để vượt chốt tại trạm cân, nhằm gây khó cho lực lượng chức năng. Dù vậy, cả lãnh đạo hai bộ Công an, Bộ GTVT đều tỏ rõ quan điểm: Sẽ xử nghiêm với xe quá tải để lập lại trật tự vận tải, an toàn giao thông và làm lâu dài, chứ không chỉ là ngày một ngày hai.

11h trưa, phóng viên có mặt tại trạm cân quốc lộ 18 từ Bắc Ninh đi Quảng Ninh. Dù không phải giờ cao điểm, song lượng xe lưu thông qua đây cũng khá nhiều, trong đó có cả xe tải. Vì không phải khung giờ cao điểm, nên lượng xe tải lưu thông qua đây ít hơn, thế nhưng, không vì thế mà lực lượng chức năng lơ là.  Trung úy Vũ Quang Mạnh (CSGT tỉnh Bắc Ninh), Tổ trưởng tại trạm cân cho biết: Phạt nặng đấy,  lái xe cũng biết đấy, nên gần đây lượng xe quá tải đi qua khu vực này đã giảm hẳn so với trước. Tuy nhiên, Cảnh sát và Thanh tra giao thông vẫn phải túc trực 24/24h, mỗi ca trực là 4 tiếng với gần 10 người (liên ngành CSGT - thanh tra giao thông), nhiều hôm thiếu người, có ca phải trực quay vòng tới 8 tiếng. Nói là lượng xe ít hơn, song chỉ trong buổi sáng cũng đã có gần chục trường hợp bị kiểm tra, xử lý, trong đó có gần nửa là các xe quá tải trên 100%. Để  xử lý được các xe này, CSGT tỉnh Bắc Ninh đã bố trí thêm cả đội tuần tra lưu động, phát hiện xe quá tải từ xa.

Tương tự, tại địa bàn Hà Nội, Hà Nam, và một số tỉnh, thành khác phóng viên có dịp chứng kiến, thì thấy rằng, ở trạm nào, lực lượng chức năng cũng căng mình làm việc, song dường như nhiều chủ xe vẫn chưa biết “ngại”. Như địa bàn tỉnh Hà Nam hiện đặt 7 trạm cân, trong đó có 5 trạm tại 5 huyện và 2 trạm tại 2 đầu tuyến đường giáp với quốc lộ 1 (đường 494 và 495). Hai tuyến đường 494 và 495 là cửa ngõ của các nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long, Bút Sơn… Tại tỉnh lộ 494 (Hà Nam), việc cân xe được triển khai 24/24h hằng ngày. Lực lượng CSGT kết hợp với các lực lượng chức năng khác thường xuyên có mặt tại trạm cân để xử lý vi phạm.

T. Huyền - N. Hương

H.Toàn - Đ.Trí
.
.
.