Kiên quyết xử lý các trường hợp cạnh tranh thương mại không lành mạnh

Thứ Tư, 28/05/2008, 15:38

Sáng 27/5, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" nhằm thực hiện Công văn chỉ đạo số 2348/VP-TM về việc phối hợp phổ biến pháp luật của văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND TP HCM, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nắm rõ những quy định pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng…

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang trong tiến trình đổi mới, hòa nhập với kinh tế thế giới, nhưng môi trường cạnh tranh chưa thật hoàn hảo. Nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi độc quyền xảy ra làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích xã hội, có nguy cơ làm xấu môi trường kinh doanh. Luật Cạnh tranh ra đời như là công cụ để điều tiết cạnh tranh, cũng như công cụ dùng để xử lý những doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ trước đến nay, tại thị trường Việt Nam đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến việc cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp với nhau hay những hành vi hạn chế cạnh tranh nhưng không được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn. Hậu quả là tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra ngày càng phổ biến và người chịu thiệt hại nhiều nhất là người tiêu dùng. Đó là tình trạng doanh nghiệp ăn cắp hoặc nhái lô gô, bảng hiệu, slogant, chỉ dẫn gây nhầm lẫn sai lệch cho khách hàng, quảng cáo, khuyến mãi không đúng sự thật… Các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách "hạ" đối thủ của nhau như: dèm pha, thông tin về doanh nghiệp khác không trung thực, xâm phạm bí mật kinh doanh…

Đã có trường hợp một doanh nghiệp chuyên sản xuất cồn khô công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh làm đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp vì cho rằng bị một doanh nghiệp đối thủ bí mật "mua" đứt nhân viên kỹ thuật của công ty mình về làm việc cho họ. Kết quả là công nghệ sản xuất của doanh nghiệp bị đánh cắp, quy mô thị trường cũng bị thu hẹp, nhưng vụ việc này cũng không được xử lý vì vào thời điểm xảy ra sự việc trên,

Luật Cạnh tranh chưa ra đời nên không có cơ sở để xử lý. Ngoài ra, trong lĩnh vực quảng cáo, việc cạnh tranh cũng có nhiều điều đáng lo. Như theo quy định, quảng cáo trên các phương tiện vận tải không quá 30% nhưng trên thực tế, nhìn vào hệ thống xe buýt gần như xe nào cũng quảng cáo kín chỗ. Nguy hiểm hơn, việc quảng cáo tân dược hiện nay nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng của các doanh nghiệp mà không cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ…

Ngoài việc cạnh tranh không lành mạnh, hành vi hạn chế cạnh tranh cũng làm cho thị trường luôn bị biến động, hoặc làm hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đó là các chủ kinh doanh có các thỏa thuận hoặc cùng hành động để hạn chế cạnh tranh trên thị trường như: cùng ấn định giá hàng hóa, dịch vụ; phân chia thị trường tiêu thụ; thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu… như trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp liên kết để nâng giá xăng dầu.

Hay trong lĩnh vực kinh doanh ôtô, các đơn vị liên kết giá khiến giá ôtô tại thị trường Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất thế giới. Ngoài ra, tình trạng độc quyền công khai, ví dụ như các doanh nghiệp cùng một tập đoàn thì không cạnh tranh với nhau nên cấu kết với nhau để bóp chẹt về giá khiến cho người tiêu dùng lao đao…

Tiến sĩ Bùi Nguyên Khánh - Phó trưởng Phòng Luật So sánh Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật nhận xét: Luật Cạnh tranh Việt Nam rất hiện đại nhưng việc áp dụng chưa tương xứng. Luật Cạnh tranh ra đời từ năm 2005 nhưng đến nay chưa "xử" được vụ nào. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hiện đang diễn ra khá phổ biến và tinh vi nhưng việc xử lý còn rất khó khăn vì phải có bằng chứng để chứng minh (nhưng vấn đề này còn rất yếu). Việc áp dụng luật để xử lý vi phạm còn thấp, không mang tính răn đe nên việc ngăn chặn gian dối trong cạnh tranh chưa có hiệu quả...

.
.
.