Kiểm tra chuyên ngành vẫn “ám ảnh” doanh nghiệp

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:59
“Sau hơn 3 năm thực hiện, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết, hoặc chỉ giải quyết mang tính hình thức” - là nhận định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư qua tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng hợp của Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết cho thấy: Hiện môi trường kinh doanh của nước ta đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể (tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82), nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra (đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4).

Đáng chú ý hơn, dù đã có một số nỗ lực ban đầu nhưng kiểm tra chuyên ngành vẫn là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp. Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 19 cho biết, tuy “đã có một vài chuyển biến nhỏ trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành” như: Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các nguyên liệu, phụ gia, bao bì nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; Bộ Công Thương bãi bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may; thì nhìn chung kiểm tra chuyên ngành “vẫn quá mức cần thiết”, “kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan”, “gây nhiều khó khăn, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính quá mức đối với doanh nghiệp”.

Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành nhiêu khê, tốn kém tiền của, thời gian của DN nhưng không có hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo rà soát mới đây của Bộ Tài chính, hiện có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm (ở mức 30-35%), trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra là năm nay giảm xuống còn 15%.

Đáng nói, nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho cơ quan hải quan, song không đạt hiệu quả về quản lý nhà nước, ví dụ như các quy định về kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, kiểm tra an toàn thực phẩm, hoạt động in…

Kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ, các lô hàng không đạt yêu cầu là rất thấp (dưới 1%), trong khi mức phí kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp ngày càng tăng cao (điển hình như phí kiểm dịch thú y).

Đơn cử, quy định về kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu theo Thông tư 25/2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn áp dụng cào bằng đối với tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật, không đánh giá, phân loại mức độ rủi ro.

Bởi vậy, mặt hàng sữa bột là sản phẩm chế biến đã được xử lý ở nhiệt độ cao, khó có khả năng tạo ra dịch bệnh, nhưng vẫn phải kiểm dịch trước khi thông quan, dẫn tới kéo dài thời gian, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ phát hiện dịch bệnh gần như không có.

Thêm vào đó, Thông tư 285/2016 của Bộ Tài chính còn quy định mức phí mới về kiểm dịch thú y chênh lệch rất lớn so với mức phí cũ, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ví dụ, trong năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào khoảng 300 triệu đồng/tháng, thì nay đã tăng gần 700 triệu đồng/tháng.

Có thể kể đến, đối với phô mai sân bay, mức phí ban đầu là 28 nghìn đồng, thì mức phí mới lên tới 5,44 triệu đồng, tăng đến... hơn 193 lần; phí đối với phô mai, kem sữa cũng tăng từ 500 nghìn đồng lên 10 triệu đồng, gấp 20 lần.

Kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được nhận định là khiến DN gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản. Dù đã được phản ánh tới các cơ quan chức năng nhiều lần, tại nhiều nơi, nhưng đến nay, vướng mắc về giấy tiếp nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP không được xử lý.

Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP được cho là “trái với các chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cam kết của Thứ trưởng Bộ Y tế” và “không có hiệu quả về quản lý nhà nước”.

Hơn nữa, việc ban hành quy định này thiếu căn cứ pháp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước. Thủ tục tiếp nhận công bố hợp quy được cho là “như một loại giấy phép”.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp liên quan, thủ tục này phức tạp, rất khó thực hiện nên buộc phải sử dụng “dịch vụ”, gây tốn kém gấp nhiều lần chi phí chính thức (mức độ chi phí tăng thêm tuỳ thuộc vào thời gian nhận Giấy xác nhận nhanh hay chậm).

Không chỉ vậy, một sản phẩm sản xuất trong nước có bao nhiêu nguyên liệu, phụ liệu, bao bì thì phải thực hiện từng đó thủ tục tiếp nhận công bố, có thể lên tới hàng chục Giấy xác nhận (trong khi sản phẩm cuối cùng cũng phải thực hiện thủ tục này). Khi có thay đổi nhỏ của nguyên liệu, doanh nghiệp cũng phải xin, làm lại thủ tục và xin lại giấy phép nhập khẩu.

“Căn cứ theo các thông tin nhận được cho đến nay”, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định “vẫn chỉ có một số ít Bộ, cơ quan thực sự quan tâm và nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19-2017 (như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, VCCI), còn lại chưa bám sát mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết”.

Vũ Hân
.
.
.