Kiểm toán 'chỉ mặt' hàng loạt vi phạm ở các địa phương

Chủ Nhật, 24/05/2015, 17:28
Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) 2013 của Chính phủ cho thấy bội chi đã vượt mức 6,6%, vượt 1,3% cho với mức Quốc hội cho phép. Tuy được nhận định số vốn này chủ yếu được chi cho đầu tư phát triển, nhưng đã thể hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Điều này cũng phần nào được phản ánh trong kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. 

Theo kết quả kiểm toán chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2013: Chính phủ đã phân bổ vốn 60.000 tỷ đồng, trong đó có 32.165 tỷ đồng cho 441 công trình giao thông; 15.435 tỷ đồng cho 214 công trình thủy lợi; 5.900 tỷ đồng cho 235 công trình y tế, 2.600 tỷ đồng cho 38 công trình ký túc xá sinh viên; các công trình thuộc dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La 2.300 tỷ đồng và cho lĩnh vực giáo dục 1.600 tỷ đồng. 

Kết quả kiểm toán cho thấy “về cơ bản” các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã chấp hành nghiêm túc việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này, nhưng cũng rất nhiều hạn chế đã được chỉ ra. Đầu tiên là một số hướng dẫn ban hành chậm, chưa chặt chẽ; cơ chế phân bổ vốn TPCP còn bất cập, chưa hợp lý.

Dự án bệnh viện 700 giường của Nam Định có vi phạm trong bố trí vốn. Ảnh: LĐ.

Việc phân bổ vốn TPCP không có tiêu chí phân bổ vốn cụ thể theo vùng, miền, địa phương mà phân bổ vốn theo dự án, dẫn đến chưa tạo được sự công bằng giữa các vùng, miền, địa phương. Tỷ lệ phát hành vốn TPCP có kỳ hạn ngắn (dưới 3 năm) chiếm tỷ trọng cao đến hơn 80% (khoảng 165.416/206.093 tỷ đồng) nên áp lực trả nợ lớn. Trong đó có những kỳ hạn rất ngắn như 26 tuần chiếm 0,44% (917 tỷ đồng); 52 tuần chiếm 22,29% (45.931 tỷ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định: Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng nhu cầu vốn năm 2013 chưa theo thứ tự ưu tiên. Dự án đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng không được bố trí kế hoạch vốn và dự án dự kiến hoàn thành năm 2012, 2013 không được giao kế hoạch vốn... nhưng lại bố trí cho các dự án ngoài danh mục…

Một số địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn vượt nhu cầu như tỉnh Bạc Liêu, dự án chỉ có nhu cầu vốn 0,576 tỷ đồng nhưng được giao những 10 tỷ đồng, vượt gần 20 lần. Việc rà soát danh mục dự án để bổ sung kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 còn sai lệch và chưa đúng nguyên tắc Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (các dự án được bổ sung phải có trong danh mục đã được phê duyệt, không bố trí vốn cho phần tăng quy mô), dẫn đến 4 dự án không thuộc danh mục đã giải ngân 1.273,59 tỷ đồng và một số dự án tăng quy mô 1.437,6 tỷ đồng. 

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đích danh tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 4 dự án 428 tỷ đồng; Hà Nam 2 dự án 288 tỷ đồng; Bắc Ninh 6 dự án 578,6 tỷ đồng; Quảng Nam 110,9 tỷ đồng. Có hiện tượng phân bổ vốn cho dự án khởi công mới, chưa sát thực tế, chậm; sai mục tiêu, đối tượng, vượt mức vốn được hỗ trợ như tỉnh Cà Mau vượt 10,443 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được chấp thuận; Bạc Liêu vượt 26,61 tỷ đồng; Thành phố Đà Nẵng vượt 41,649 tỷ đồng. Một số địa phương bố trí vốn ngoài danh mục dự án được Trung ương giao, bố trí sai nguồn như Long An 32,992 tỷ đồng, Nghệ An 4,134 tỷ đồng, Cà Mau 31,192 tỷ đồng, Phú Thọ 3,578 tỷ đồng….

Qua kiểm toán trên 55 địa phương, có 4 địa phương thanh toán cho các dự án không có trong danh mục 151,7 tỷ đồng; có 8 địa phương thanh toán cho phần vượt quy mô 907,2 tỷ đồng; 7 địa phương thanh toán cho nội dung theo quyết định đầu tư sử dụng nguồn vốn khác 107,16 tỷ đồng; 2 địa phương điều chỉnh và sử dụng vốn ứng trước từ dự án được ứng sang dự án không được ứng 24,1 tỷ đồng; 3 địa phương sử dụng vốn TPCP hoàn trả ngân sách địa phương đã sử dụng và quyết toán hàng năm 311,58 tỷ đồng; 5 địa phương thanh toán vượt tổng mức vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 hoặc vượt tỷ lệ vốn được Trung ương hỗ trợ 71,2 tỷ đồng; 6 địa phương thanh toán cho một số dự án không có trong danh mục Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên 116,2 tỷ đồng; 17 địa phương thanh toán cho dự án không đúng mục tiêu đầu tư 187,4 tỷ đồng; 2 địa phương thanh toán cho phần tăng quy mô 98 tỷ đồng; 6 địa phương thanh toán cho các dự án khởi công mới 95,4 tỷ đồng; 10 địa phương mua sắm trang thiết bị trường học 76,5 tỷ đồng; 13 địa phương mua sắm trang thiết bị y tế cho một số dự án bệnh viện không phù hợp với quy định 120,8 tỷ đồng; thanh toán sai khối lượng, đơn giá tại hầu hết các dự án được kiểm toán chi tiết 520,3 tỷ đồng.

Một số địa phương ứng trước vốn cho dự án không có trong danh mục nên không có nguồn để hoàn trả 269 tỷ đồng; đăng ký và giao vốn ứng trước cho một số dự án không đúng hướng dẫn. Việc thu hồi vốn ứng trước chưa tích cực nên số vốn chưa thu hồi còn lớn. Tổng số vốn ứng trước kế hoạch chưa thu hồi đến hết năm 2012 là 26.264,936 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí thu hồi trong năm 2013 là 16.644,179 tỷ đồng, đạt 63,4%. Thậm chí có những địa phương không thu hồi mà tiếp tục bố trí vốn như Nam Định.

Trao đổi với PV báo CAND bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, năm nào cũng nói đi nói lại chuyện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, một số địa phương, ban ngày ý thức trong việc chấp hành ngân sách còn kém. Luật ngân sách sửa đổi sắp tới phải làm rõ điều này, phải có chế định, chế tài rất rõ để việc sử dụng ngân sách đi vào nền nếp hơn.

Nam Phương
.
.
.