Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 23,4 nghìn tỷ đồng
EVN cũng là một trong những tập đoàn sẽ được kiểm toán báo cáo tài chính. |
Theo báo cáo của KTNN, năm 2014, toàn ngành đã tiến hành 191 cuộc kiểm toán (trong đó có 35 tỉnh, 14 bộ, 37 dự án đầu tư, chương trình, dự án quốc gia; 21 chuyên đề…). Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 188 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 23,4 nghìn tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu là hơn 4,3 nghìn tỷ đồng, các khoản giảm chi gần 6,9 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn 3,3 nghìn tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8,8 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 31,4 tỷ đồng...
Mục tiêu trọng điểm của công tác kiểm toán được xác định nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo kiểm toán; đánh giá tính hiệu quả; phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng…
Cụ thể, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ được kiểm oán; 18 bộ, ngành khác sẽ được kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước; kiểm toán ngân sách địa phương tại 50 tỉnh. Về kiểm toán chuyên đề, việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới, quản lý nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng… 26 tập đoàn, tổng công ty sẽ được kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có những tập đoàn lớn như PVN, EVN, Vinalines, Tổng Công ty Thuốc lá… Một số ngân hàng lớn như BIDV, Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietinbank, Vietcombank cũng thuộc đối tượng kiểm toán.
Mặc dù công bố một kế hoạch kiểm toán khá “đồ sộ” và khẳng định ngành đã rất nỗ lực, ông Cao Tấn Khổng cũng thừa nhận việc kiểm toán còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, sai phạm được phát hiện còn mang tính cá biệt, không mang tính phổ biến không đánh giá được những vấn đề lớn xuyên suốt.
“Có cái rất khó là lực bất tòng tâm. Với đội ngũ hiện tại mà đáp ứng nhu cầu của Quốc hội, Chính phủ, là cánh tay đắc lực phục vụ việc quản trị nền kinh tế là chưa kham nổi”- ông Khổng cho biết.
Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách (rất nhiều trong số đó có quy mô lớn hàng chục ngàn tỷ đồng như Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn xăng dầu…) nhưng lại chưa được kiểm toán “sờ đến”, ông Bùi Đức Thụ, ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định đúng là số lượng quỹ tài chính ngoài ngân sách của ta lớn và tỷ trọng nguồn thu, nhiệm vụ chi cũng tương đối cao nhưng kiểm toán lại đạt tỷ trọng thấp. Trong thời gian tới, sẽ mở rộng ra kiểm toán các quỹ này nhiều hơn.
Về tình trạng “nở rộ” quỹ và việc “cài cắm” các quỹ trong các luật chuyên ngành, ông Thụ bày tỏ quan điểm đồng tình cần chấm dứt tình trạng này. “Số lượng quỹ quá nhiều, nhiều quỹ trùng nguồn thu và nhiệm vụ chi với NSNN như quỹ bảo trì đường bộ, một số quỹ khoa học công nghệ, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá…”.
Ông Thụ cho biết trong xây dựng Luật NSNN (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 9 sắp tới đây của Quốc hội, nhiều đại biểu đã phát biểu theo hướng loại bỏ quỹ nào trùng với NSNN và cũng đã được giải trình tiếp thu, hi vọng sẽ được Quốc hội thảo luận chấp nhận và thể chế hoá.