Kiểm soát giá vàng miếng có bị lơi lỏng?

Thứ Hai, 17/11/2014, 11:17
Thời điểm giá vàng thế giới đã xuống thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ còn ở mức trên dưới 30 triệu đồng mỗi lượng chưa bao gồm thuế, phí, thì ngược lại, giá bán vàng miếng SJC trong nước chỉ giảm nhỏ giọt và liên tục giữ ở ngưỡng trên dưới 35 triệu đồng/lượng trong thời gian dài.

Tình trạng này đã khiến giá bán vàng miếng SJC trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. Nghịch lý ở chỗ, dù đã trở thành thương hiệu độc tôn trong nước, nhưng giá bán vàng hầu như được thả nổi đã khiến vàng miếng SJC có giá cao nhất thế giới; gây thiệt hại trực tiếp cho người mua vàng trong khi các khoản thuế, phí thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này không cao.

Kể từ khi vàng miếng SJC trở thành thương hiệu vàng Quốc gia, các thương hiệu vàng miếng khác dần bị xóa tên trong quyết định mua vàng của người dân. Để bình ổn thị trường vàng, ngoài cả chục triệu lượng vàng miếng SJC đã dập từ nguồn chuyển đổi các thương hiệu khác hoặc từ nguồn vàng nguyên nhập khẩu. Chỉ trong thời gian ngắn, NHNN đã liên tiếp cho đấu thầu, bán ra thị trường gần 57 tấn vàng miếng SJC. Lượng vàng này chủ yếu được các ngân hàng mua gom, trả lại cho người gửi vàng với số lượng khoảng 30 tấn nên lượng vàng còn lại bán ra thị trường không nhiều.

Theo một số chuyên gia về vàng, nhìn thực tế từ số liệu nhập khẩu vàng về tiêu thụ trong nước những năm trước đây, nhu cầu tích trữ vàng của người dân là rất lớn; thị trường vàng luôn lệch pha khi lượng mua vào nhiều, lượng bán ra ít.

Cụ thể,  tính toán của TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho thấy, trước đây bình quân mỗi năm cả nước nhập về 25 tấn vàng. Trong đó lượng vàng sử dụng để gia công chế tác trang sức rất ít, chủ yếu dùng để dập thành vàng miếng SJC và một số thương hiệu khác nên lượng vàng còn nằm rải rác trong dân vào khoảng 400 tấn. Đã vậy, những người dân có vàng đem gửi ngân hàng đa số là người có vàng tích trữ dùng làm của cải nên hầu như không có nhu cầu bán ra. Thời điểm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán sức hút đầu tư yếu nên người dân quay ra lựa chọn đầu tư vào vàng. Tình trạng người có vàng ghìm số lượng bán ra trong khi NHNN chưa có giải pháp hữu hiệu để huy động lượng vàng khổng lồ tích trữ trong dân để đầu tư vào nền kinh tế...

Sau nhiều giải pháp đồng bộ được NHNN đưa ra áp dụng để kiểm soát thị trường vàng, đến nay tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã chấm dứt; người dân cũng hầu như không còn tình trạng “quy ra vàng” khi giao dịch mua bán nhà đất hoặc các loại tài sản có giá trị lớn. Giá vàng trong nước tăng giảm hay chênh lệch bao nhiêu so với thế giới đều không gây xáo trộn, tác động hay ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác. Song cũng kể từ khi SJC trở thành thương hiệu vàng độc tôn trên thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới ngày càng được giãn rộng.

Thời điểm năm 2012 và 2013 khi chênh lệch giá vàng miếng trong nước so với giá vàng nguyên liệu nhập từ nước ngoài chỉ ở mức 2 – 3 triệu đồng lượng đã khiến người mua vàng bức xúc do bị thiệt hại. Chênh lệch giá vàng miếng khi đó được các đại diện DN kinh doanh vàng và các cơ quan có trách nhiệm quản lý thị trường vàng giải thích là do nhu cầu mua vàng của các ngân hàng thương mại rất cao để tất toán nợ vàng đã huy động của người dân trước đó. Nhưng nay, khi nhu cầu này đã chấm dứt, giá vàng miếng trong nước so với giá vàng nguyên liệu thế giới tiếp tục có mức chênh lệch cao hơn thì điều này đã thể hiện rõ ràng một điều: giá vàng miếng trên thị trường trong nước đang bị buông lỏng!

Nói như ông Hoàng Huy Hà, thành viên HĐQT ngân hàng BIDV, thì suốt thời gian qua việc niêm yết giá vàng vẫn được thả nổi hoàn toàn. Không có cơ chế và công cụ giám sát cung cầu thị trường và kiểm soát biến động giá vàng miếng hàng ngày. Do đó việc niêm yết giá còn mang tính chủ quan của các DN kinh doanh vàng, dẫn đến tình trạng tự do “thổi giá” hoặc ghìm giá gây thiệt hại cho người dân

Đ.Thắng
.
.
.