Khuynh gia bại sản vì ham lãi suất cao

Thứ Tư, 08/06/2011, 15:48
Gần đây, tin lời dụ dỗ ngon ngọt, một số người dân ở Hải Phòng đã huy động vốn của gia đình, bạn bè để cho vay với lãi suất cao. Sau một thời gian, các đầu mối thu gom vốn này "bỗng dưng" mất hút khiến bao gia đình trắng tay, thậm chí phải li tán bởi họ thế chấp nhà cho ngân hàng. Có nạn nhân vì quá quẫn bách đã tự kết liễu cuộc đời.

Trong những ngày này, nhiều người dân tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng xôn xao khi phát hiện vợ chồng Ngô Đức Quyến, 33 tuổi và Trần Thị Hiền, 42 tuổi, ở thôn Lương Quy bỏ trốn mang theo số tiền nợ hàng tỷ đồng.

Khi biết có PV tìm hiểu về việc vay nợ của vợ chồng Quyến - Hiền, hơn 30 người dân mới vội kéo đến "trình bày hoàn cảnh" với mong muốn "lấy lại" số tiền cả đời dành dụm từ một kẻ tàn tật, phải sống bằng trợ cấp của nhà nước lên đến 4 - 5 tỷ đồng. Quyến là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em trai, bố đã chết cách đây mấy năm và hiện đang sống cùng với mẹ. Bị liệt hai chân từ lúc mới sinh, mọi sự di chuyển của Quyến đều phải nhờ vào chiếc xe lăn. Do tật nguyền, Quyến chấp nhận lấy người vợ lớn hơn mình gần 10 tuổi. Khéo ăn nói, cả 2 vợ chồng Quyến đều được người dân trong xã rất quí mến.

Đầu 2010, anh em Quyến làm ăn thua lỗ. Lúc này, bà Nguyễn Thị Thiềm, 52 tuổi - mẹ của Quyến đang bị ốm nằm viện nên đã ủy quyền cho 3 anh em Quyến đứng ra thế chấp 1 nửa diện tích đất đang ở hơn 800m2 được 1 tỷ đồng với lãi suất cao lấy tiền trả nợ…

Sau vụ đó, vợ chồng Quyến - Hiền lân la đi hỏi vay tiền khắp làng. Người ít vài triệu, người nhiều lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Với mỗi đối tượng, vợ chồng Quyến lại đưa ra nhiều lý do như: lấy tiền làm ăn, lo việc làm, chuộc lại sổ đỏ đã đem cầm cố để bán đất v.v… với lời hứa hẹn sẽ trả lãi suất cực cao.

Cụ Phạm Thị Ri, 90 tuổi, ở xóm Giữa, xót xa kể, ở tuổi gần đất xa trời, cụ chỉ biết sống nhờ vào con cháu. Mỗi lần con, cháu đi làm xa về cho vài trăm nghìn để ăn quà, cụ Ri lại chắt bóp mua được mấy chỉ vàng để trong nhà phòng khi ốm đau.

Đầu năm 2010, vợ chồng Quyến sang tỉ tê ngon ngọt "hốt" luôn của cụ 3 chỉ vàng và 10 triệu đồng… Đến ngày hẹn, vợ chồng Quyến đánh bài cùn không trả mặc cho khổ chủ đến rất nhiều lần van nài xin được lấy lại tiền gốc. Cùng cảnh với cụ Ri, bà Nguyễn Thị Dung, 73 tuổi, ở xóm Đông cho biết, cũng đầu năm 2010, vợ chồng Quyến cũng vay của bà 4 chỉ vàng nhưng đến nay cả 2 đã biệt tích.

Ngôi nhà của bà Thiềm và vợ chồng Quyến - Hiền vẫn đóng cửa.

Trong số các chủ nợ của Quyến, bà Nguyễn Thị Hợp, 53 tuổi, hàng xóm sát vách với Quyến có hoàn cảnh éo le nhất. Quá lứa, nhỡ thì, bà Hợp mãi mới "xin" được một cậu con trai đưa về sống chung với mẹ đẻ của mình. Vì là thân nhân của liệt sỹ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mẹ bà Hợp xây một ngôi nhà tình nghĩa. Vài năm trước, mẹ bà Hợp mất đã để lại ngôi nhà cho mẹ con bà ở. Cách đây mấy tháng, vợ chồng Quyến sang nỉ non bày cách cho bà mang sổ đỏ đi thế chấp rồi cho vợ chồng Quyến vay lại, mỗi tháng sẽ trả lãi.

Ngay sau đó, Quyến đưa bà Hợp đến một cơ sở cầm đồ ở xã Tân Tiến, huyện An Dương làm hợp đồng thế chấp lấy 300 triệu đồng, và được nhận ngay 5 triệu đồng lãi của tháng đầu tiên như thỏa thuận. Nhưng đến đầu tháng 4/2011, bà Hợp choáng váng khi một người đàn ông đến yêu cầu bà phải thanh toán 920 triệu đồng. Nếu không, bà phải ra khỏi nhà vì ngôi nhà này đã có chủ mới đứng tên. Còn vợ chồng Quyến đã bỏ trốn từ mấy ngày trước.

Ông Hoàng Văn Vịnh ở xóm 9, xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên hiện vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi nhận được thông báo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, chi nhánh Nhị Chiểu (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với nội dung: "Công ty Tân Toàn không có khả năng trả nợ. Chậm nhất đến 15/5/2011, nếu ông Hoàng Văn Vịnh không trả thay, ngân hàng sẽ tiến hành thủ tục phát mại tài sản thế chấp".

Tấm kịch bi hài này liên quan đến trùm lừa Bùi Thị Vông, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tân Toàn (trụ sở tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên).

Với chiêu công ty đang chuẩn bị vay tiền ngân hàng, muốn vay hộ phải đưa sổ đỏ, ông Vịnh liền đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thị sau đó đã phải nhận hậu quả nêu trên... Đáng nói, nhiều người lo, vì xấu hổ với hàng xóm họ hàng về số tiền nợ khổng lồ bỗng dưng buộc vào cổ không biết lấy đâu để trả đã phải khóa cửa bỏ đi.

Với trường hợp của anh Phạm Văn N., ở xã Cao Nhân, cùng huyện Thủy Nguyên, sau khi nghe một "đại gia" rỉ tai đang cần vay tiền để làm ăn một phi vụ lớn và chấp nhận trả với lãi suất mỗi tháng 50 triệu đồng nên anh N. đã dốc toàn bộ tiền trong nhà, sau đó còn huy động của anh em, bạn bè được tổng số tiền khoảng 5 tỷ.

Sau vài tháng đầu lấy lãi đầy đủ, đến đầu năm 2011, "đại gia" trên đã ôm tiền gốc và cả mấy tháng tiền lãi biến mất. Sự việc vỡ lở, các chủ nợ tìm đến nhà anh N. đòi lại tiền. Với số tiền quá lớn so với khả năng chi trả, trong khi con nợ chính biệt tăm, nghĩ quẩn, anh N đã lao mình xuống sông để thoát kiếp nợ nần.

Thượng tá Hoàng Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Thủy Nguyên cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận hàng chục đơn kiến nghị, tố cáo của người dân về một số đối tượng huy động vốn với lãi suất cao sau đó không hoàn trả được với tổng số tiền lên đến gần 30 tỷ đồng. Song, đó chỉ là con số thống kê qua đơn trình báo của người dân.

Đăng Hùng
.
.
.